- Mất gương, cần gạt nước, logo, thậm chí cả biển kiểm soát xe, cứ ra… chợ Trời! Oái oăm nhất là người mất đồ có thể tìm lại được ngay đúng món đồ mình vừa bị mất. Lâu dần, người ta đến chợ Trời tìm đồ bị mất cắp thay vì trình báo công an.

Tìm đồ mất trộm nhanh hơn công an

Các đây vài tháng, anh Nguyễn Hải Đăng (quận Hoàng Mai) đi công tác về muộn, không đánh xe vào gửi ở tầng hầm tòa nhà vì chật kín chỗ. Anh đành phải để xe ngoài trời, ngay trước sảnh chung cư.

Sáng dậy, anh tá hỏa khi phát hiện ô tô của mình bị trộm dỡ sạch mấy chiếc nẹp kính cửa xe. Dù đã mua bảo hiểm thân vỏ, nhưng thay vì báo với hãng, anh ra… chợ Trời để tìm đồ vừa mất.

{keywords}
Nhiều chủ xe ô tô phải tìm mọi cách để bảo vệ phụ tùng trước tình trạng trộm cắp hoành hành.

“Một chủ hàng ở chợ Trời bảo để lại số điện thoại. Ngoài ra, người này còn hỏi biển số xe, màu xe, thời điểm, vị trí bị mất đồ. Hai hôm sau, anh này gọi cho tôi mang xe đến… nhận đồ.

Kỳ lạ nhất, mấy cái nẹp kính đấy đúng là đồ của xe tôi. Dù bực mình vì phải mất tiền mua lại đồ của chính mình, nhưng cũng thấy “nể” cánh buôn bán chợ Trời. Họ tìm đồ còn nhanh hơn cả công an” - anh Đăng kể.

Thời điểm hiện tại, khi Hà Nội đang có chủ trương dẹp tận gốc những cửa hiệu kinh doanh, buôn bán hàng không có nguồn gốc tại chợ Trời, dường như, mọi việc có vẻ “lắng” và kín đáo hơn.

100% đồ trộm cắp quay về chính chủ

Ngày 25/2, chúng tôi cùng một người bạn bị “vặt” gương phải của một siêu xe tiền tỷ ra chợ Trời tìm lại đồ bị mất.

Bắt đầu vào phố Huế, đám “cò” người thì vẫy tay, kẻ chạy hẳn ra ngoài đường để dò hỏi. Các câu hỏi đa phần đều giống nhau: xe màu gì, thời gian, địa điểm bị mất

“Anh cứ về đi, một hai ngày nữa nếu có, sẽ có người gọi. Nhưng phải nói chính xác đồ bị mất thật chứ đừng có thử bọn này” - một thanh niên ngồi trước cửa hiệu ngay đầu phố Huế, đoạn giao với phố Thịnh Yên nói.

{keywords}

Một chủ xe bị trộm “vặt đồ” đang phải khốn khổ tìm lại đồ ở chợ Trời.

Tiếp tục “hành trình”, chúng tôi đánh liều đưa xe vào ngõ Thịnh Yên. Một phụ nữ trạc 40 tuổi mau mắn ra bắt chuyện. Nhận những thông tin mà chúng tôi đưa cho, chị này nhanh chóng gọi điện thoại cho một số máy lưu trong danh bạ của mình.

“Anh cứ về đi. Một lúc nữa tôi sẽ gọi lại” – người phụ nữ nói.

Lo lắng về việc phải tìm được đúng gương xe bị mất, chị này quả quyết: “Cứ yên tâm. Nếu mất thật thì chắc chắn sẽ tìm được. Khi nào tôi báo thì mang xe qua địa chỉ xxx trên phố Trần Khát Chân, sẽ có thợ mang ra lắp cho anh”.

Chỉ chừng 2 tiếng đồng hồ từ khi chúng tôi “nhờ vả”, điện thoại của người phụ nữ từ chợ Trời gọi đến: “Có rồi, nhưng là gương của con xe màu đen chứ không phải màu ghi như anh nói. Nếu đồng ý thì 3,5 triệu, anh mang xe qua Trần Khát Chân”.

Theo quan sát của chúng tôi, “chu trình” của các “thợ tìm đồ” chợ Trời rất khép kín: người mua mô tả đồ bị mất, màu xe, thời gian địa điểm, việc đầu tiên của những “thợ” này là gọi điện thoại. Tùy từng vụ việc cụ thể, nhưng chậm nhất chỉ trong 1-2 ngày, họ sẽ tìm ra món người mua cần tìm.

Kiểm tra địa chỉ “xxx” trên phố Trần Khát Chân mà người phụ nữ nói, chúng tôi thấy đó là một gara ô tô nhỏ, cách Phố Huế chừng vài trăm mét.

Theo nhiều “khổ chủ” thì kết quả bao giờ cũng mỹ mãn: Đồ bị mất 100% quay về với chính chủ. Đổi lại, số tiền bỏ ra mua chính món đồ của mình cũng “chát”, tới 50-60% so với giá mua đồ chính hãng. Thậm chí, nhiều món khổ chủ phải mua lại với giá đắt ngang ngửa đồ mới vì không mất nhiều thời gian chờ đợi lại không chắc mua được hàng “xịn”.

Khó chứng minh đồ trộm cắp

Ông Nguyễn Văn Thanh - Đội phó Đội Quản lý thị trường số 5 (Chi cục QLTT Hà Nội) cho biết, qua 2 đợt kiểm tra, lực lượng liên ngành đã kiểm tra 25 cơ sở kinh doanh, thu giữ 780 sản phẩm phụ tùng, linh kiện ô tô.

“Số phụ tùng, linh kiện này đã qua sử dụng, không đồng bộ, không rõ chất lượng, do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ” - ông Thanh cho biết.

{keywords}
Phố Trần Cao Vân - 'lõi' của chợ Trời - thời gian này đang bị 'soi' nên hoạt động bề ngoài có vẻ khá yên ắng.

Ông Thanh cũng thẳng thắn: Lực lượng QLTT chỉ có thẩm quyền kiểm tra các hàng hóa bày bán công khai, nếu phát hiện hàng không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ thì tịch thu, xử lý theo quy định.

“Chỉ cơ quan công an mới đủ nghiệp vụ để điều tra làm rõ phụ tùng trộm cắp bán tại chợ Trời được lấy từ xe nào, cất giấu ở đâu” - ông Thanh chia sẻ và cho biết các chủ cơ sở kinh doanh “không dại gì” bày bán đồ trộm cắp, nếu có”

Đội trưởng Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu (Đội 6, Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội), Trung tá Mai Văn Thuần đánh giá khó có thể xác định các đồ thu giữ là đồ gian. Các phụ tùng này đều là đồ cũ, có thể chủ cơ sở mua của người dân đem bán hay từ những chiếc xe tai nạn.

“Để chứng minh các phụ tùng cũ này là đồ gian rất khó, không đơn giản như chứng minh một cái xe máy vì xe thì đã có số khung, số máy. Lực lượng liên ngành có kiểm tra cũng khó thu giữ được đồ trộm cắp.

Cảnh sát kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cửa hàng nhưng chưa xác định họ phạm tội nên không có lệnh khám xét.

Họ cất giấu đồ gian ở sâu trong nhà thì khó mà moi ra được. Chỉ khi xác định được đồ nào mua của kẻ gian thì cảnh sát mới có căn cứ để khám xét, thu hồi” - Trung tá Mai Văn Thuần nói thêm.

Nhóm PV (còn nữa)