– Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, tuy bệnh nhân không xuất hiện ồ ạt nhưng tính từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn thành phố cứ 11 trường hợp mắc bệnh thì có 1 trường hợp tử vong vì nhiễm liên cầu lợn.


Điểm đáng chú ý là trong số những bệnh nhân mắc, tử vong do liên cầu lợn hầu hết đều có tiền sử ăn tiết canh hoặc sử dụng các thành phẩm tươi sống từ lợn (lòng, thịt, ...).

Nhiều bệnh nhân chủ quan hoặc không biết thông tin về bệnh nên nhập viện muộn, khi đã ở trong tình trạng nhiễm khuẩn máu, sốc nặng, trên da có nhiều nốt ban hoại tử.

Đại đa số bệnh nhân mắc liên cầu lợn đều ăn tiết canh trước đó (Ảnh minh họa: Internet)

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết hiện nay bệnh liên cầu lợn không lây từ người sang người mà chỉ lây từ động vật sang người nhưng đường lây này lại có nguy cơ lớn do người bệnh có thể mắc bệnh qua đường ăn uống, chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.

Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, bệnh do liên cầu lợn gây ra trên địa bàn thành phố không xuất hiện thành dịch, chỉ xuất hiện những ca rải rác. Tuy nhiên, điều đáng lo là bệnh âm ỉ tồn tại trong cộng đồng do thói quen thích ăn tiết canh, lòng lợn tươi sống của người dân.

Ngay tại bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, bác sỹ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết đã có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc nặng, huyết áp tụt sâu. Khai thác thông tin từ gia đình thì kết quả là những bệnh nhân này đều coi tiết canh là món ăn “khoái khẩu”, sử dụng thường xuyên.

Khi đã bị nhiễm liên cầu lợn, diễn biến bệnh có thể diễn ra rất nhanh. Có bệnh nhân xuất hiện triệu chứng (như sốt, rét run, da nổi ban) chỉ sau khoảng 12 giờ sử dụng tiết canh, lòng lợn. Đặc biệt, bệnh thường nặng và diễn biến nhanh hơn đối với nhóm bệnh nhân nghiện rượu.

Thời gian vừa qua, bệnh viện đã điều trị cho một bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn ở Nghệ An bị nghiện rượu và "mê tiết canh" lợn. Do nhập viện muộn nên các ngón chân của bệnh nhân bị hoại tử nặng, phải cắt bỏ.

Bệnh nhân vừa tử vong ngày 9/9 vừa qua tại bệnh viện bệnh Nhiệt đới TW là là bệnh nhân thứ 3 trong vòng 1 tháng qua tử vong do ăn tiết canh lợn.

Theo bác sỹ Hà, người dân thường nghĩ tiết canh (lợn, ngan, vịt, …) là mát, bổ, nhưng thực chất không phải như vậy.

Tiết canh với thành phần chủ yếu là máu tươi của gia súc, gia cầm, tuy giàu protein, protit nhưng cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển.

Một bát tiết canh là một ổ bệnh với trên dưới 10 loại vi khuẩn gây hại cho con người có trong máu động vật. Chưa kể, nếu động vật giết thịt bị nhiễm bệnh thì con số này sẽ tăng gấp bội. Mặt khác, khi cắt tiết, những vi khuẩn dính trong lông, da của con vật có thể trôi vào trong máu rồi truyền bệnh cho người ăn.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội khuyến cáo người dân không nên ăn các sản phẩm tươi sống từ lợn (đặc biệt là tiết canh, nhất là trong bối cảnh đang có nhiều dịch bệnh hoành hành cùng lúc trên gia súc gia cầm).

Ngoài ra, để phòng bệnh, người dân cần mua thực phẩm ở những địa chỉ đáng tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng, chế biến thực phẩm đảm bảo vệ sinh, không ăn thức ăn tươi sống, ôi thiu (ở nhiệt độ 100 độ C, vi khuẩn liên cầu lợn sẽ bị tiêu diệt).

N.Anh