- Đánh giá cao những cam kết, hành động của Chính phủ Việt Nam, song Chủ tịch Auscham cho rằng nếu chỉ có sự kiên nhẫn, bền bỉ, chống tham nhũng khó đạt hiệu quả triệt để.

David John Whitehead, Chủ tịch Phòng Thương mại Úc tại Hà Nội (Auscham) đã ra hiệu nhiều lần để chủ tọa thảo luận tại Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 11 sáng 6/11 tại Hà Nội trao cho ông quyền phát biểu.

Chủ đề của Đối thoại năm nay (do Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ phòng chống tham nhũng, phối hợp với Đại sứ quán Anh và đại diện Bộ phát triển Anh tại Việt Nam tổ chức): Công tác phòng chống tham nhũng tại địa phương - thực trạng và giải pháp.

Phân định trách nhiệm giám sát

Đồng thời là chủ một doanh nghiệp nước ngoài có nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam, ông John Whitehead chia sẻ nỗi e ngại tham nhũng của bất cứ doanh nghiệp nước ngoài nào, về tiền lệ muốn hoạt động ở địa phương tốt, phải bỏ tiền bôi trơn cho quan chức.

Các nhà tài trợ cho rằng cơ quan chống tham nhũng phải độc lập

"Để phát triển kinh tế, cần phải tăng cường thu hút FDI. Song nếu tham nhũng tồn tại, phát triển, nó sẽ làm giảm lòng tin của doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế. Tham nhũng, hối lộ làm cản trở sự phát triển của quốc gia" - ông nói.

Đánh giá cao những cam kết, hành động của Chính phủ Việt Nam, song ông cho rằng nếu chỉ có sự kiên nhẫn, bền bỉ, chống tham nhũng khó đạt hiệu quả triệt để.

Ông cho rằng, những chế tài xử lý tham nhũng là cần thiết, tính độc lập của cơ quan chống tham nhũng cần phải đề cao, song hành đó là cơ chế bảo vệ chặt chẽ những người tố giác tham nhũng, hối lộ và giáo dục nếp nhận thức "tham nhũng là không chấp nhận được" ở trường học.

Đại sứ Úc tại Việt Nam Hugh Borrowman cầm tờ tiền polymer trên tay và chia sẻ với Việt Nam về những "trải nghiệm tương đồng" của Úc trong chống tham nhũng. Theo ông, ngay ở một nước phát triển như Úc, vẫn có thể xảy ra những vụ việc tham nhũng, hối lộ liên quan cán bộ ở trung ương, cũng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, ở các công ty và những vụ việc như thế đều bị đưa ra truy tố, xét xử.

Nhấn mạnh những nỗ lực hướng đến kết quả tích cực, ông cho rằng vai trò giám sát của các cơ quan phải được phát huy theo tinh thần phân chia trách nhiệm rõ ràng. Phát huy vai trò báo chí, tính độc lập của các cơ quan tố tụng.

Chống tham nhũng phải độc lập

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó chánh văn phòng thường trực Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng, qua giải quyết 4.572 vụ trong tổng số 5.180 vụ việc tố cáo tham nhũng thuộc thẩm quyền, đã phát hiện 466 vụ việc với 727 người có hành vi tham nhũng.

Đã khởi tố 1.458 vụ án với 3.151 bị can, truy tố 3.889 bị can, xét xử 3.387 bị cáo. Qua điều tra xét xử đã thu hồi về ngân sách nhà nước 1.061 tỷ đồng và 218,8 ha đất.

Ông Tuấn cho rằng số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý còn ít so với tình hình thực tế, nhiều vụ việc xử lý chậm, kéo dài.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với đại biểu dự Đối thoại

Bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia UNDP Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã có khung pháp luật tốt về phòng chống tham nhũng, tuy nhiên khoảng trống lớn nhất hiện nay là việc thực thi pháp luật trong cuộc sống.

Bà cho rằng, phòng chống tham nhũng vẫn còn khiếm khuyết ở cơ chế xử phạt, truy cứu trách nhiệm… Do đó, Chính phủ cần hành động để tăng cường sự tuân thủ pháp luật.

“Việt Nam đã có chế độ pháp luật tốt nhưng còn khoảng trống trong thực hiện. Trọng tâm bây giờ là chú trọng thực thi pháp luật” - bà nói.

Bày tỏ quan tâm đến sự chuyển đổi Ban chỉ đạo TƯ phòng chống tham nhũng do Đảng trực tiếp chỉ đạo, bà Chamberlain dẫn các kinh nghiệm quốc tế cho thấy, bất kể mô hình chống tham nhũng nào để hoạt động thành công không thể thiếu tính độc lập trong hoạt động.

Đại sứ Đan Mạch John Nielsen cũng nêu: Câu hỏi đặt ra là Việt Nam có cần nhiều luật về phòng chống tham nhũng nữa không? Có cần nhiều điều tra, khảo sát nữa không? Vấn đề là phải tăng thực hiện các quy định của pháp luật, “tôi đề nghị ít chú trọng đến bàn thảo và tập trung vào hành động”.

Là đại diện cao nhất của Chính phủ dự Đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu nêu bật cam kết hành động thực tiễn về chống tham nhũng ở Việt Nam. Bởi, theo ông, "mọi lý thuyết đều là màu xám" và để thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm định chân lý.

Ông Phúc nhận diện bối cảnh hiện nay, sự chuyển dịch nhanh chóng của các dòng vốn, hàng hóa, dịch vụ và con người giữa các quốc gia đã làm phát sinh những dạng tham nhũng mới, ngày càng tinh vi, phức tạp.

Hai trong số các vấn đề liên quan phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam được ông nhắc tới là luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi vừa được QH thông qua. Theo đó có nhiều quy định mới nhằm tăng cường công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Bên cạnh đó, nghị quyết về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội và HĐND các cấp bầu hoặc phê chuẩn góp phần nâng cao hiệu quả giám sát, trách nhiệm giải trình của người lãnh đạo, qua đó tạo bước chuyển trong phòng chống tham nhũng.

Linh Thư