- Chính phủ công bố có hơn 2200 doanh nghiệp đã làm thủ tục giải thể và hơn 9700 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế.

Số liệu trên được thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ chính phủ trưa 1/4 tại Hà Nội. Theo văn phòng chính phủ, Chính phủ nhận định mặc tình hình kinh tế khó khăn nhưng số doanh nghiệp thành lập mới lớn hơn số doanh nghiệp giải thể và đăng ký ngừng hoạt động trong quý I năm nay, số doanh nghiệp mới thành lập trên 15.300 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp đã làm thủ tục giải thể trên 2.200 doanh nghiệp và có trên 9.700 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế.

Lý giải nguyên nhân, chính phủ cho rằng sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, tiêu thụ chậm, tồn kho còn ở mức cao, dẫn đến quy mô sản xuất thu hẹp, nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất hoặc phá sản, giải thể. Trong khi đó, lãi suất giảm nhưng còn cao, việc tiếp cận vốn khó khăn.

Không ảnh hưởng lao động

Đề cập đến vấn đề này tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay thông tin báo chí đưa số lượng doanh nghiệp ngừng sản xuất và giải thể cao hơn những năm trước là chính xác.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam. Ảnh: Minh Thăng

Tuy nhiên, ông lưu ý thực tiễn trong nhiều năm qua, rất nhiều doanh nghiệp được đăng ký và tồn tại nhưng không hoạt động thực tế, không phát sinh doanh thu chịu thuế. Có hiện tượng một người hay một doanh nghiệp lớn vì những tính toán trong kinh doanh khác nhau, dựa vào quy định pháp luật, lập ra nhiều doanh nghiệp. Có nhiều doanh nghiệp trước đây ngưng trệ sản xuất, đến thời điểm dưới những chính sách quản lý vĩ mô mới, đặc biệt liên quan lĩnh vực tài chính ngân hàng, đã chủ động làm các thủ tục giải thể.

"Trong nền kinh tế thị trường, các nhà kinh doanh lập ra các doanh nghiệp mới, đăng ký kinh doanh mới cũng như có các doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể là chuyện bình thường. Các doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp nhiều hay ít không quan trọng bằng hiệu quả hoạt động kinh doanh của cả nền kinh tế" - Bộ trưởng nói.

Về đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giãn thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ trưởng cho hay Bộ Tài chính từng có đề xuất và Chính phủ đã trình các cơ quan có thẩm quyền để xem xét giãn và lui thuế cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên qua góp ý từ thực tiễn, biện pháp giãn, hoãn thuế vừa qua mới chủ yếu nhằm vào các doanh nghiệp có lợi nhuận chịu thuế. Còn các doanh nghiệp khó khăn, chưa có lợi nhuận để được giãn thuế cũng cần có các giải pháp về thuế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Đề xuất của Bộ Kế hoạch trùng với ý kiến của các bộ ngành và doanh nghiệp. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất để Chính phủ trình cơ quan thẩm quyền của Quốc hội xem xét quyết định.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho hay thực tiễn có nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được vốn do lãi suất cao nhưng câu chuyện không chỉ dừng ở lãi suất. Các ngân hàng chỉ xem xét, cân nhắc cho vay dựa trên khả năng hoàn vốn trong khi có nhiều doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng không thể trình phương án sử dụng vốn hiệu quả.

Ảnh: Minh Thăng

Ông cũng nhấn mạnh, việc doanh nghiệp giải thể, ngưng sản xuất phản ánh thực trạng sản xuất khó khăn, nhưng số liệu của Bộ Kế hoạch cũng cho thấy nhiều trong số các doanh nghiệp giải thể là những doanh nghiệp "nhỏ và cực nhỏ". Số doanh nghiệp giải thể này không tạo ảnh hưởng nhiều đến lao động.

Về hướng điều hành, hiện Chính phủ đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy thị trường trong nước, đưa hàng hóa dịch vụ về nông thôn.

Về tiền tệ và tín dụng, NHNN đã có nhiều nỗ lực để bình ổn tiền tệ, tín dụng. Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất kinh hoạt, phù hợp với yêu cầu kiềm chế lạm phát, tăng trưởng tín dụng, giải quyết thanh khoản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chủ động với lạm phát mục tiêu

Trong hai ngày 31/3 và 1/4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3. Đánh giá về tình tình hình kinh tế xã hội ba tháng đầu năm, Chính phủ cho hay giá cả, lạm phát đã có xu hướng giảm dần, bước đầu ổn định.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quý I/20102 đã có xu hướng giảm dần và có tốc độ tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước. So với tháng trước, CPI tháng 3/2012 chỉ tăng 0.16%, so với tháng 12/2011, CPI tháng 3/2012 tăng khoảng 2,55% là mức tăng thấp nhất so với nhiều năm qua.

GDP quý I ước tăng 4% - thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm 2012 tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, ước quý I đạt trên 24,4 tỷ USD, tăng 23,6 % so với cùng kỳ năm trước.

Trong ba tháng đầu năm cũng đã tạo việc làm cho khoảng 341,4 nghìn người.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay Chính phủ nhận định những kết quả có được khẳng định biện pháp điều hành đang đi đúng hướng. Quản lý vĩ mô đã đạt bước chuyển từ bị động ứng phó lạm phát sang chủ động điều hành theo lạm phát mục tiêu.

Mục tiêu quan trọng thời gian tới đó là phấn đấu đạt tăng trưởng cả năm GDP 6% và kiềm chế lạm phát ở một con số như mục tiêu Quốc hội đề ra.

"Những tháng còn lại Chính phủ sẽ điều hành chủ động, không để tình trạng giật cục, để đạt hai mục tiêu quan trọng về lạm phát, tăng trưởng" - ông nói.

Linh Thư