Văn phòng Chính phủ vừa thông tin về Nghị quyết 66 về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2021.

Một trong những nội dung nổi bật của nghị quyết đề cập đến đề xuất tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện xe ô tô kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19.

Theo đó, Chính phủ quyết định tạm ngưng áp dụng đến hết ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức không lắp camera theo quy định.

{keywords}
 Do ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19, dẫn đến doanh nghiệp vận tải hàng hóa, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh

Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm xử phạt doanh nghiệp vận tải chưa lắp camera giám sát trên xe. Nếu theo đúng quy định thì việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức không lắp camera theo quy định có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.

Khẩn trương hoàn thiện Luật Đất đai sửa đổi

Ngoài ra, Chính phủ quyết nghị các nội dung liên quan đến một số dự án luật. Cụ thể, về dự án Luật Cảnh sát cơ động, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và nội dung cơ bản của dự án luật này, được xây dựng trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Cảnh sát cơ động hiện hành, tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Việc này cũng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo cơ sở vững chắc để cảnh sát cơ động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước trong tình hình mới.

Chính phủ thống nhất về một số nội dung quan trọng của dự án luật theo hướng, không quy định trong luật về cơ cấu tổ chức của cảnh sát cơ động, chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động bao gồm Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cảnh sát cơ động Công an tỉnh.

Quy định cụ thể, chặt chẽ các trường hợp cảnh sát cơ động được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ lên tàu bay, tàu thủy; phân định rõ thẩm quyền, phạm vi đối với việc ngăn chặn, vô hiệu hóa các phương tiện bay không người lái…

Chính phủ cũng cơ bản thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật đất đai cũng như các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đất đai (sửa đổi).

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến của các Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện các nội dung chính sách, bảo đảm bao quát, khả thi, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. 

Nghị quyết cũng nêu rõ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm về tiến độ xây dựng và chất lượng của văn bản, hạn chế tối đa việc xin điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhất là việc xin lùi, rút dự án luật, pháp lệnh; khắc phục triệt để việc chậm, nợ văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết như thời gian vừa qua.

Đặc biệt, cần tiếp tục rà soát, xác định những nội dung vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý, không còn phù hợp với thực tiễn trong các thông tư của bộ, cơ quan ngang bộ để ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền trong quý III năm 2021...

Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành 55 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, không để tiếp diễn tình trạng chậm, nợ văn bản quy định chi tiết.

Thu Hằng

Kiến nghị Chính phủ lùi xử phạt xe khách, xe tải chưa lắp camera

Kiến nghị Chính phủ lùi xử phạt xe khách, xe tải chưa lắp camera

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm xử phạt doanh nghiệp vận tải chưa lắp camera giám sát trên xe.