- Ngày càng có nhiều chính phủ tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của người dân. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng quản trị cũng như chất lượng các dịch vụ cung cấp cho người dân.

{keywords}

Ông Rakesh Rajani - nguyên đồng Chủ tịch Ban điều hành OGP

Ahsan Iqbal, Bộ trưởng Kế hoạch Pakistan đưa ra nhận định "chính phủ mở không còn là một phương án lựạ chọn. Chính phủ mở phải là con đường phía trước".

Đó không phải là một khái niệm mới. Trong những thập kỷ qua, sự xuất hiện và ra đời của các quy định pháp lý về tự do thông tin cũng như các sáng kiến chính phủ điện tử ở nhiều nơi trên thế giới đã giúp thúc đẩy xu hướng xây dựng các chính phủ minh bạch, có trách nhiệm giải trình và ngày càng có khả năng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công dân.

Chính phủ mở đã mang một nội hàm mới từ đầu thế kỷ 21 nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin. Trước kia, Chính phủ mở thường mang nội hàm đơn thuần là việc công dân "tiếp cận thông tin" từ bên trong chính phủ.

Giờ đây khái niệm này còn bao gồm vấn đề "chủ động" chia sẻ và cung cấp thông tin giữa chính phủ với các tổ chức xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nội hàm "chia sẻ" thông tin ám chỉ các mối quan hệ song phương, tính cởi mở, sự tin tưởng cũng như sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau trong quá trình phát triển xã hội.

Lắng nghe dân

Theo đó, sáng kiến Đối tác Chính phủ Mở (OGP) được hình thành như một sáng kiến quốc tế nổi bật nhất từ trước tới nay nhằm thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và khuyến khích sự tham gia của người dân.

Đây là một sáng kiến quốc tế đa phương mang tính tự nguyện nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của các chính phủ, khuyến khích sự tham gia của công dân và tăng cường khả năng đáp ứng của chính phủ đối với người dân. Mục đích của OGP là hỗ trợ các chính phủ đảm bảo các cam kết cụ thể nhằm thúc đẩy tính minh bạch, trao quyền cho công dân, đấu tranh phòng, chống tham nhũng và phát huy công nghệ thông tin hiện đại nhằm cải thiện hoạt động quản trị nhà nước .

Sáng kiến này chính thức trở thành hiện thực từ tháng 9/2011, sau khi 8 chính phủ sáng lập (Anh, Mỹ, Brazil, Indonesia, Mexico, Na Uy, Philippines và Nam Phi) thông qua Tuyên bố chung về Chính phủ mở. Chỉ trong vòng 3 năm hoạt động, OGP đã nhanh chóng thu hút được sự tham gia của 65 quốc gia. OGP cũng đã nhận được ý nguyện thư bày tỏ mối quan tâm từ 19 nguyên thủ quốc gia, 2 phó thủ tướng, và hơn 40 bộ trưởng cao cấp.

Ông Rakesh Rajani - nguyên đồng Chủ tịch Ban điều hành OGP cho hay, chính phủ mở là một chính phủ có khả năng lắng nghe và biết quan tâm đến suy nghĩ của người dân, đặc biệt là nhóm dân nghèo, dễ bị tổn thương và các nhóm yếu thế, để tìm cách đáp ứng.

Một chính phủ mở và biết lắng nghe, theo quan niệm của ông, còn đồng nghĩa với việc chính phủ đó biết là họ không thể có tất cả các câu trả lời để giải quyết những thách thức của xã hội trong quá trình vận động và phát triển. Họ cho rằng rất nhiều ý tưởng và ý kiến tốt nhất để làm cho xã hội tốt đẹp hơn có thể đến từ chính người dân và xã hội.

Nâng cao hình ảnh quốc gia

Rất nhiều quốc gia tham gia OGP để giúp nâng cao hình ảnh và vị thế quốc tế của mình.

{keywords}

Đại diện 8 chính phủ sáng lập OGP: Anh, Mỹ, Brazil, Indonesia, Mexico, Na Uy, Philippines và Nam Phi

Gia nhập OGP, lãnh đạo của các quốc gia đó muốn đưa ra một thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế cũng như đông đảo người dân trong nước rằng chính phủ họ cam kết tăng cường minh bạch, quyền tiếp cận thông tin của công dân, phòng chống tham nhũng với mục đích đem lại lợi ích cho sự phồn thịnh cho đất nước.

Để tham gia, các chính phủ hội tụ đủ điều kiện tối thiểu 75% của tổng số 16 điểm dựa trên 4 tiêu chí bao gồm: Minh bạch ngân sách, minh bạch thông tin, công khai tài sản và sự tham gia của người dân, đều có thể đăng ký gia nhập OGP. Khi tham gia OGP, các chính phủ thành viên cam kết đáp ứng và thông qua Tuyên bố về Chính phủ mở nhằm thúc đẩy một nền văn hóa toàn cầu cũng như tại quốc gia của họ về chính phủ mở và minh bạch.

Tham gia OGP cũng đồng nghĩa với việc cam kết thực thi các nguyên tắc đã được nêu trong Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng - UNCAC mà nhiều quốc gia (trong đó có Việt nam) đã thông qua, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, cũng như các công cụ quốc tế khác liên quan đến Quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng.

Hiện nay, theo tác giả nghiên cứu, Việt Nam chỉ còn thiếu 3 điểm sẽ đáp ứng được tiêu chí tối thiểu về tư cách hợp lệ thành viên tham gia OGP.

Một trong những điểm hấp dẫn của OGP nằm ở chỗ đây không phải là một sáng kiến mà các quốc gia phồn thịnh về kinh tế nói với các nước kém phát triển hơn rằng họ cần phải làm gì để cải tổ. Ngược lại, tùy điều kiện hoàn cảnh và mục đích riêng, mỗi quốc gia tham gia và sử dụng OGP như một công cụ để đạt được mục đích riêng của mình.

Ví dụ, tại Indonesia, OGP nằm trong tổng thể kế hoạch quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng. Tại Phillipines, thúc đẩy các cải cách quản trị và minh bạch hóa trong môi trường kinh doanh là một trong những mục đích tham gia...

Phát triển kinh tế

Tại Phillipines, ông Guilermo (Bill) Luz, đồng Chủ tịch UB quốc gia về tính cạnh tranh ghi nhận: “Chúng tôi hỗ trợ để tăng cường tiếng của nói các bên liên quan trong quá trình thúc đẩy minh bạch, dựa trên quan điểm cho rằng minh bạch và quản trị tốt là hoàn toàn có lợi cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp”.

{keywords}

“Minh bạch sẽ đem lại sự phồn thịnh cho quốc gia” - Francis Maude, nguyên Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh phát biểu

Còn đối với chính phủ Anh, OGP nằm trong tổng thể chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế quốc gia khi chính quyền hoạt động minh bạch hơn và tham nhũng bị đẩy lùi. Nguyên Bộ trưởng Văn phòng Nội các Francis Maude còn cho rằng minh bạch sẽ đem lại sự phồn thịnh cho quốc gia.

OGP đưa ra một tầm nhìn rõ ràng: Ngày càng có nhiều chính phủ tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; đồng thời đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của người dân. Mục tiêu cuối cùng của những nỗ lực trên là nhằm nâng cao chất lượng quản trị cũng như chất lượng các dịch vụ cung cấp cho người dân. Để đạt được điều này, cần có những thay đổi trong các quy chuẩn về chính sách và tập quán văn hóa xã hội nhằm đảm bảo giữa chính quyền và người dân có được cơ chế đối thoại và hợp tác một cách thực sự.

Tóm lại, trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi các quốc gia ngày càng hội nhập sâu, rộng với thế giới thì nguồn nhân lực, vốn, khoa học, công nghệ và thông tin ngày càng tự do di chuyển giữa các quốc gia, khi thế giới ngày càng phẳng hơn thì chính phủ mở là sự lựa chọn sáng suốt và hiệu quả hơn trong nền kinh tế tri thức, một xu thế tất yếu mà các quốc gia đang lựa chọn và theo đuổi.

Trong bối cảnh Việt Nam đang thực thi Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng, sửa đổi bộ luật Hình sự và có kế hoạch đánh giá 10 năm thực hiện luật Phòng, chống tham nhũng, thảo luận và sắp cho ra đời luật Tiếp cận thông tin cũng như luật về hội, bài báo này được viết ra với mục đích giới thiệu tới những ai quan tâm đến chủ đề này một cách tiếp cận mới trên thế giới trong việc tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình,sự tham gia của người dân- những nền tảng cơ bản giúp phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, phát triển kinh tế và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Chính phủ mở có 4 đặc điểm:

Tính minh bạch: Công chúng biết và hiểu được các hoạt động của chính phủ. Các thông tin liên quan đến những hoạt động và quyết định do chính phủ ban hành cần được cung cấp cho công chúng một cách công khai, đầy đủ, thuận lợi, đúng thời gian và miễn phí.

Sự tham gia của người dân: Chính phủ khuyến khích và có cơ chế cụ thể, hiệu quả thu hút sự tham gia của người dân để họ đóng góp tiếng nói của mình giúp củng cố xây dựng chính quyền vững mạnh ngày càng đáp ứng nhu cầu của người dân và hoạt động hiệu quả hơn. 

Trách nhiệm giải trình: Công chúng có thể yêu cầu chính phủ giải trình kết quả thực hiện chính sách và cung cấp dịch vụ. Có các quy tắc, quy chế và cơ chế để các cơ quan chính quyền giải thích các quyết sách, hành động của mình, tiếp thu các phản ảnh, ý kiến (thậm chí trái chiều) hoặc những yêu cầu của dân, cũng như dám nhận trách nhiệm về việc thực thi các chính sách và quyết định của chính quyền;

Công nghệ thông tin và đổi mới: Chính phủ coi trọng việc cung cấp cho người dân thông tin thông qua "tiếp cận mở" nhờ sự hỗ trợ của các phương tiện công nghệ thông tin ngày một tiến bộ hơn.

Nguyễn Thị Kiều Viễn (Sáng lập viên Tổ chức Hướng tới minh bạch)