Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trải qua nhiều biến động lịch sử, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức trong hơn bốn thập kỷ qua không ngừng phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất trên mọi lĩnh vực.

Quan hệ Việt Nam - Đức: Bền bỉ và mạnh mẽ

Việt Nam và Đức chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975 nhưng sợi dây liên kết giữa hai dân tộc ở hai lục địa Á – Âu xa cách đã hình thành và tồn tại từ rất lâu trước đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp tục gieo mầm và dày công vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Đức đơm hoa, kết trái.

Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á sở hữu nhịp cầu nhân văn đặc biệt kết nối với Đức. Đó là đội ngũ đông đảo hơn một trăm ngàn học sinh, sinh viên và lao động Việt Nam đã từng học tập, làm việc tại Đức từ những năm 50 của thế kỷ trước, nắm vững ngôn ngữ và văn hóa Đức.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Đức Angela Merkel gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, tháng 5/2016. Ảnh: TTXVN

Cùng với cộng đồng trên 170 ngàn người Việt Nam, gồm nhiều thế hệ, hội nhập sâu rộng và có những đóng góp tích cực vào đời sống kinh tế - xã hội Đức, họ đã kết thành một khối tài sản chung vô giá, trở thành chất xúc tác không thể thiếu cho sự phát triển đa dạng và độc đáo của quan hệ hai nước.  

Quan hệ Việt – Đức luôn thể hiện sức sống bền bỉ và mạnh mẽ nhờ sự hợp tác chặt chẽ về mọi mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa... 

Các hoạt động đối ngoại Đảng, Quốc hội, hợp tác và giao lưu nhân dân giữa hai nước đang ngày càng gia tăng... Sự đồng thuận về ý chí và các văn kiện đạt được qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước là đòn bẩy quan trọng cho triển khai hợp tác sâu rộng giữa hai nước.

Đặc biệt, Tuyên bố Hà Nội về việc thiết lập Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức được ký nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng 10/2011 là dấu mốc quan trọng định hình quan hệ Việt Nam – Đức phát triển mạnh mẽ.                     

Trên nền tảng vững chắc của quan hệ chính trị, hợp tác giữa hai nền kinh tế có độ mở lớn, nhiều tiềm năng và đặc tính bổ sung cho nhau diễn ra rất năng động. Phó Thủ tướng cho biết trong nhiều năm liền, Đức luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Châu Âu.

Hợp tác phát triển cũng là một thành tố quan trọng trong quan hệ hai nước. "Việt Nam luôn trân trọng và không bao giờ quên sự ủng hộ quý báu của Chính phủ và nhân dân Đức dành cho Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước", Phó Thủ tướng viết.

Trong ba thập niên lại đây, trên tinh thần đối tác tin cậy và hiệu quả, với nguồn ODA trị giá hơn 2 tỷ USD, Đức luôn đồng hành cùng công cuộc phát triển của Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác lớn…

Tiếp tục hướng tới hòa bình, ổn định và phồn vinh

Những bài học chia sẻ kinh nghiệm về mô hình phát triển, khai thác năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, hệ thống đào tạo nghề song hành nổi tiếng thế giới của Đức…là hành trang quý giá góp phần giúp Việt Nam hoàn thiện các cơ chế chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn thiên nhiên và đào tạo nguồn nhân lực…, từ đó góp phần hỗ trợ Việt Nam hoàn thành trước thời hạn những mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và đang tiến tới các mục tiêu phát triển bền vững.

{keywords}
Việt Nam trao tặng 550.000 khẩu trang hỗ trợ phòng chống Covid-19 cho Đức và một số nước châu Âu tháng 4/2020. Ảnh: Báo TG&VN

Đường bay thẳng giữa hai nước được mở hơn 15 năm trước đây đã trở thành cầu nối chuyên chở hàng chục ngàn lượt khách Đức sang du lịch và làm việc tại Việt Nam, bà con kiều bào về thăm quê hương cũng như con số tương tự người Việt Nam sang Đức du lịch, học tập và làm việc mỗi năm.

Ở bình diện đa phương, trên tinh thần Đối tác chiến lược, Việt Nam và Đức luôn phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN - EU, ASEM, Liên hợp quốc... Chia sẻ quan điểm và tầm nhìn chung về chủ nghĩa đa phương, trật tự ổn định dựa trên luật lệ, bảo vệ luật pháp quốc tế, bảo vệ môi trường, Việt Nam và Đức thường xuyên tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu.

Trong năm 2020, “trọng trách kép“ được đặt lên vai hai nước: vừa là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đồng thời giữ cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN còn Đức đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu vào 6 tháng cuối năm.

Hai bên đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ thời cơ và vận dụng một cách tích cực, sáng tạo để thúc đẩy tăng cường kết nối Á-Âu, mang lại hòa bình, ổn định ở hai khu vực, đóng góp cho môi trường an ninh và phát triển trên thế giới. 

Điểm lại những trang sử quan hệ hai nước hơn bốn thập kỷ qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao đánh giá: "Thật vui mừng và tự hào về sự phát triển năng động, thực chất của quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Đức. Những kết quả đáng khích lệ và tiềm năng hợp tác rất to lớn là những động lực quan trọng cho sự hợp tác sâu rộng, mạnh mẽ và toàn diện hơn của hai nước trong những thập niên tới, phù hợp với lợi ích và mong muốn của chính phủ và nhân dân hai nước, vì một thế giới hòa bình, ổn định, phồn vinh".

Với những nỗ lực, quyết tâm của hai bên và trên hết là tình hữu nghị bền chặt của hai dân tộc, Phó Thủ tướng tin rằng mục tiêu mà hai nước cùng hướng tới chắc chắn sẽ sớm trở thành hiện thực.               

Thành Nam

Thủ tướng Đức cảm ơn và chúc mừng Việt Nam trong chống Covid-19

Thủ tướng Đức cảm ơn và chúc mừng Việt Nam trong chống Covid-19

Thủ tướng Việt Nam và Đức đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển, gắn kết chặt chẽ, đa dạng và đi vào chiều sâu.