Nhân kỷ niệm 60 chiến thắng Tua Hai, sáng 6/1, tại Tây Ninh, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia “Chiến thắng Tua Hai – Mở đầu cao trào Đồng Khởi ở Nam Bộ”. Tham dự hội thảo có hơn 400 đại biểu, chuyên gia quân sự, nhà khoa học trên cả nước.

chien thang tua hai – mo dau cao trao dong khoi o nam bo hinh 1
Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia “Chiến thắng Tua Hai – Mở đầu cao trào Đồng Khởi ở Nam Bộ”.

Hơn 70 báo cáo tham luận đưa ra tại hội thảo là công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng vấn đề cụ thể, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn của chiến thắng Tua Hai. Trong đó, tập trung phân tích về quá trình Xứ ủy Nam Bộ nắm bắt, lĩnh hội, triển khai và hiện thực hóa chủ trương của Trung ương Đảng vào nhiệm vụ cụ thể của cách mạng miền Nam. Đó chính là quá trình Xứ ủy Nam Bộ chỉ đạo Ban Quân sự miền Đông và Tỉnh ủy Tây Ninh khẩn trương chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, thúc đẩy thời cơ và chớp thời cơ tổ chức trận đánh Tua Hai, mở đầu phong trào vũ trang Đồng khởi ở Nam Bộ.

Phát hiểu tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam khẳng định: Trận đánh Tua Hai có một giá trị, ý nghĩa riêng, được xem là trận đánh mở đầu cho những thắng lợi tiếp theo của nhân dân miền Nam.

“Đối với trận thắng Tua Hai này, tiếp tục khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn sáng tao của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lúc đó, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Biểu hiện trực tiếp bằng việc phát động cuộc nổi dậy của nhân dân tỉnh Tây Ninh bằng đấu tranh quân sự”- Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên chia sẻ.

Các tham luận cũng nêu lên quá trình Xứ ủy Nam Bộ, Ban Quân sự miền Đông và Tỉnh ủy Tây Ninh xây dựng lực lượng, chuẩn bị mọi mặt và tổ chức thực hành trận đánh cũng như tác động của chiến thắng Tua Hai đối với phong trào vũ trang đồng khởi ở Tây Ninh và Nam Bộ. Từ Tây Ninh, phong trào vũ trang đồng khởi lan sang Long An, Kiến Tường, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa, Chợ Lớn, đến cả vùng ngoại thành Sài Gòn - Gia Định…

Bằng các phương thức kết hợp chính trị với quân sự và binh vận, nhiều địa phương đã đồng khởi đánh sập bộ máy chính quyền Sài Gòn ở cơ sở, xây dựng chính quyền nhân dân tự quản. Mặt khác, chiến thắng Tua Hai còn ảnh hưởng, tiếp sức cho các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi hòa bình... ở khắp các thành thị miền Nam, khiến chính quyền Sài Gòn ở Trung ương lâm vào thế bị động về chiến lược.

chien thang tua hai – mo dau cao trao dong khoi o nam bo hinh 2
Hội thảo có hơn 400 đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia quân sự tham dự.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh cho rằng: Trong 21 năm chống Mỹ, từ thắng lợi của trận đánh Tua Hai, những thắng lợi liên tiếp trên chiến trường Tây Ninh đã đóng góp vào thắng lợi chung của cả Nam bộ và cả nước. Tinh thần của chiến thắng Tua Hai vẫn còn ghi đậm đối với mỗi người dân và là niềm tự nào của Đảng bộ và nhân dân Tây Ninh.

“Đến nay đã tròn 60 năm, nhưng chiến thắng Tua Hai là một dấu son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc của Đảng và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Đảng bộ, quân dân Tây Ninh. Chiến thắng này không chỉ giới hạn trong một trận đánh mà vượt qua không gian và thời gian đi vào lịch sử dân tộc như một chiến công quân sự, chính trị sáng chói của cách mạng Miền Nam trong những năm 60 của thế kỷ 20”- ông Phạm Viết Thanh nói.

Chiến thắng Tua Hai là minh chứng cho vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng vào điều kiện thực tiễn của miền Nam để đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân và giữ vững phong trào cách mạng. Đồng thời có ý nghĩa chính trị to lớn đối với cách mạng miền Nam trong thời kỳ “chuyển mình”.

Phát biểu tham luận, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định: Chiến thắng Tua Hai là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng trong phong trào đồng khởi những năm 1959-1960, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng miền Nam. Thắng lợi đó không những góp phần khẳng định tính đúng đắn trong chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng thông qua Nghị quyết 15, mà còn là cơ sở để Đảng ta phát triển và hoàn thiện đường lối, phương thức, nghệ thuật đấu tranh cách mạng “hai chân, ba mũi”, trong đó đấu tranh vũ trang ngày càng chiếm vai trò quan trọng, quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

chien thang tua hai – mo dau cao trao dong khoi o nam bo hinh 3
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - phát biểu tại hội thảo

Từ Tua Hai, ngọn lửa đồng khởi bùng lên, nhanh chóng lan rộng khắp miền Nam. Những kinh nghiệm, bài học rút ra từ chiến thắng Tua Hai tiếp tục được kế thừa và phát huy có hiệu quả, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và vẫn cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nói, từ phong trào này, kết hợp với phong trào Đồng khởi ở Bến Tre và nhiều cuộc phong trào đồng khởi khác ở các địa phương cách mạng chúng ta chuyển sang giai đoạn tiến công. Để sau chiến thắng Tua Hai chúng ta đã có những chiến thắng Ấp Bắc, chiến thắng Bình Giã, chiến thắng xuân năm 1968, chiến thắng chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 và đặc biệt là Đại thắng mùa xuân 1975.

Các tham luận của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các ban, Bộ, ngành Trung ương và các địa phương, các quân khu, quân đoàn, quân, binh chủng...các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội đã góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra từ trận đánh Tua Hai. Từ đó tạo nền tảng khoa học vững chắc trong cuộc chiến chống âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch; đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau./.

(Theo Vov.vn)