- Cổng thông tin điện tử Chính phủ mở website tiếp nhận mọi phản ánh của doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong hoạt động, kể cả tình trạng vòi vĩnh phong bì.

Đây là thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chia sẻ tại họp báo thường kỳ Chính phủ chiều nay.

Ông Dũng cho biết, để đạt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, vừa qua Thủ tướng đã giao ông trực tiếp cùng các chuyên gia thành lập website lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp.

Website với tên miền doanhnghiep.chinhphu.vn bắt đầu hoạt động từ 1/10, tiếp nhận mọi khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh từ cơ chế chính sách đến các giao dịch trực tiếp. Đến nay đã có 6 ý kiến.

{keywords}
Website của Chính phủ tiếp nhận mọi phản ánh của các doanh nghiệp

Các câu hỏi sau đó sẽ được chuyển đến từng bộ ngành, địa phương và Bộ trưởng Mai Tiến Dũng sẽ lập tổ công tác để đốc thúc, sau đó tổng hợp để trả lời.

“Các thông tin hỏi và trả lời đều công khai, minh bạch, người hỏi có thể theo dõi tiến trình xử lý kiến nghị. Kênh tương tác này giúp xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hướng về doanh nghiệp”, Bộ trưởng Dũng nói.

Ngoài ra, tất cả các cơ sở dữ liệu hỏi và trả lời sẽ được tổng hợp, thống kê để phục vụ công tác tham mưu xây dựng chính sách.

Báo Tổ quốc đặt câu hỏi, nếu có tình trạng vòi vĩnh phong bì đút lót từ doanh nghiệp, thông tin này có được tiếp nhận và chuyển cơ quan chức năng xử lý không?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thừa nhận, chuyện cán bộ vòi vĩnh, lợi ích nhóm đòi doanh nghiệp nộp phong bao, phong bì, gây khó dễ cho doanh nghiệp, thậm chí đòi tỉ lệ % dự án là có trong thực tế.

“Do đó Thủ tướng chỉ đạo mọi phản ánh đều đăng công khai lên website để ngăn chặn những nhóm lợi ích và hạn chế thấp nhất những tiêu cực trong việc giải quyết. Khi nhận được những phản ánh vòi vĩnh, chúng tôi sẽ chuyển các cơ quan chức năng”, Bộ trưởng cam kết.

Bộ trưởng Dũng nói thêm, khi phản ánh, báo chí và doanh nghiệp nên kèm thêm chứng cứ, căn cứ xác đáng để cơ quan chức năng, đặc biệt bộ phận quản lý cán bộ xem xét hơn dễ dàng hơn.

“Nếu ở địa phương, chúng tôi sẽ yêu cầu lãnh đạo địa phương trả lời, nếu ở bộ sẽ yêu cầu cán bộ phải giải trình rõ với doanh nghiệp”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh và cho biết, việc kết luận có vòi tiền hay không, mức độ thế nào cần quá trình xem xét, tránh bỏ lọt đối tượng nhũng nhiễu, tiêu cực.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng website đối thoại với người dân.

Thúy Hạnh