- Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa kí quyết định thông báo việc lùi thời điểm tính chi phí tiền lương vào viện phí.

Theo đó, Bộ Y tế đang cùng phối hợp với Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước xây dựng các phương án điều chỉnh giá dịch vụ y tế dựa trên dự báo các tác động đến chỉ số giá tiêu dùng để xem xét, quyết định thời điểm điều chỉnh cho phù hợp.

Như vậy, việc điều chỉnh giá gần 1.900 dịch vụ với mức tăng khoảng 50% sau khi tính đủ phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và chi phí tiền lương vào cuối tháng này như dự kiến đã bị lùi lại.

{keywords}
Kế hoạch tăng viện phí vào cuối tháng này tạm thời bị hoãn lại do lo ngại tác động đến chỉ số CPI. Ảnh: T.Hạnh

Riêng 9 bệnh viện tuyến trung ương đã thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn gồm: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Phụ sản Trung ương, Nội tiết Trung ương, Mắt Trung ương, Tai mũi họng Trung ương, Răng hàm mặt Trung ương, Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM đã được Bộ Y tế cho phép tính tiền lương vào viện phí từ 1/3/2016.

Trước đó, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết, Bộ Y tế đề xuất chia nhỏ thành 5 đợt điều chỉnh viện phí, mỗi đợt 8-12 tỉnh.

Đợt 1, dự kiến vào cuối tháng 8/2016 tại các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 95%.

Đợt 2 vào 10/2016 tại các địa phương có tỷ lệ BHYT khoảng 90% và có mức tác động CPI thấp.

Đợt 3 được thực hiện vào tháng 11/2016 tại các địa phương có tỷ lệ BHYT bao phủ 85%.

Đợt 4 vào tháng 12/2016 ở các tỉnh có tỉ lệ BHYT trên 80% và đợt 5 vào tháng 1/2017 tại các tỉnh còn lại.

Bộ Y tế cho biết, hiện giá dịch vụ y tế mới tính 3/7 yếu tố cấu thành giá là thuốc; Vật tư trực tiếp cho khám chữa bệnh, ngày giường; chi phí điện nước, xử lý chất thải và 1 phần phụ cấp.

Còn lại 4 yếu tố bao gồm: tiền lương; chi phí sửa chữa lớn tài sản; chi phí khấu hao nhà cửa, trang thiết bị lớn; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học vẫn chưa được tính.

Theo lộ trình, đến năm 2018 các bệnh viện công sẽ phải tự chủ hoàn toàn tài chính và đến 2020, viện phí sẽ được tính đủ 7/7 yếu tố.

T.Hạnh