Chiều nay (22/1), tại cuộc họp báo thông báo nội dung Đại hội Đảng lần thứ XIII, báo chí đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Trong thời gian diễn ra đại hội, hoạt động chống phá Đại hội Đảng trên không gian mạng có những diễn biến phức tạp. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ có lường trước các tình huống có thể xảy ra và có những biện pháp gì ứng phó hay không?

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Phạm Hải

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định càng gần Đại hội XIII, thông tin sai sự thật, xấu độc tăng lên. Một số tháng gần đây, tăng lên khoảng 50% so với đầu năm 2019.

Theo Bộ trưởng, việc xử lý những thông tin này đã tốt hơn 5 năm trước đây.

Ông nêu rõ, 5 năm vừa qua đã có hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn, tốt hơn để xử lý sai phạm. Nhận thức của Việt Nam về các nền tảng xã hội trong đó các nền tảng xuyên biên giới cũng tốt hơn, các công cụ kỹ thuật cũng đã hoàn chỉnh hơn. Các nhà mạng viễn thông Việt Nam cũng đã đầu tư công nghệ hiện đại hơn.

Bộ trưởng thông tin, trong hơn 2 năm qua, Bộ đã xây dựng Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, có năng lực xử lý mạnh. Cụ thể, xử lý cả trăm triệu tin một ngày; đã giám sát, phát hiện, xử lý những thông tin luận điệu sai trái.

“Vì lượng thông tin quá nhiều nên vấn đề giám sát, phát hiện là quan trọng số một”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho biết, việc thực hiện đã nghiêm minh hơn, dù nền tảng nào cũng phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Từ năm 2019 các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội đã tuân thủ tốt hơn.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các lực lượng cũng nhuần nhuyễn hơn từ Ban Tuyên giáo Trung ương, các bộ Công an, Quốc phòng và TT&TT.

Trong giai đoạn Đại hội Đảng các cấp, Bộ TT&TT đã xử lý 35.000 tin bài xấu độc. Số lượng tin, bài xấu độc lớn được xử lý làm không gian mạng lành mạnh hơn. Trong thời gian diễn ra Đại hội XIII, các bộ cũng đã có các phương án, ứng trực 24/24, sẵn sàng phản ứng nhanh. 

Triển khai công tác an ninh mạng bảo vệ Đại hội XIII của Đảng, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an ghi nhận dấu hiệu gia tăng đột biến về tần suất, quy mô, số lượng các đợt tấn công mạng nhằm vào Việt Nam, nhất là các cơ quan trọng yếu, tập đoàn kinh tế, tài chính quan trọng với phương thức, thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm, nhằm chiếm đoạt thông tin, tài liệu nội bộ, tài liệu bí mật nhà nước, phát tán thông tin xấu, độc.

Thống kê của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho thấy, một số phương thức, thủ đoạn tấn công phổ biến nhất hiện nay là: câu nhử (Phishing); khai thác lỗ hổng bảo mật trên diện rộng (mass scan, mass exploit); tấn công thông qua thiết bị USB, tấn công thay đổi giao diện.

Đơn vị khuyến cáo một số biện pháp cơ bản để phòng ngừa như: Không mở bất kỳ liên kết hay tập tin nào từ khi chưa xác định rõ nguồn gốc; Sử dụng chương trình tìm diệt mã độc, rà quét các thiết bị lưu trữ như USB, các tập tin nghi ngờ; Không truy cập vào các trang mạng có nội dung xấu, đồi trụy (các trang này đều chứa mã độc), các tài liệu không rõ nguồn gốc để tránh nguy cơ bị nhiễm mã độc…

Bộ TT&TT ra quân phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII

Bộ TT&TT ra quân phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII

Ngày 22/1, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức ra quân đảm bảo thông tin liên lạc, an toàn an ninh mạng phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thu Hằng - Trần Thường - Hương Quỳnh