- Dự thảo luật về Hội vừa được đưa ra thảo luận tại một hội thảo do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức sáng nay.

Đây là một dự luật có số phận khá thăng trầm. Vốn có mục đích luật hóa Sắc lệnh số 102 năm 1957, cách đây đã 60 năm, dự thảo lần đầu tiên được đưa ra QH bàn năm 2006 nhưng đã phải rút về. Từ đó đến nay, 15-16 lần sửa, dự thảo luật về Hội vẫn còn quá nhiều vấn đề tranh cãi, "nâng lên đặt xuống khoảng 25 năm".

Gọi đây là một "cụ luật", và quá trình soạn thảo là một "bản trường ca", GS. Nguyễn Vi Khải, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, không ngại nhận định dự luật mất thời gian như vậy là do nhiều ý kiến của các nhà khoa học, những đối tượng bị tác động, không được tiếp thu.

{keywords}

GS. Nguyễn Vi Khải

Tự mình "google", GS. Khải chỉ ra dự thảo luật về Hội còn có một "kỷ lục" nữa trong quá trình soạn thảo, đó là mức độ quan tâm của dư luận: 10,3 triệu kết quả so với trên dưới 1 triệu kết quả của nhiều luật khác.

GS. Nguyễn Vi Khải kiến nghị đã đến lúc làm luật không phải chỉ để có luật nửa, mà phải đổi mới tư duy: Luật vị nhân sinh và phát triển.

"Đến nay dù chưa có luật, hàng trăm hàng nghìn hội vẫn hoạt động, tham gia phản biện chính sách mạnh mẽ, chỉ là họ chưa chính danh", ông Khải nói.

Nhiều học giả tại hội thảo chia sẻ quan điểm này. Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD), cho biết thông lệ quốc tế, hội họp là quyền cơ bản của công dân, nhà nước có trách nhiệm thúc đẩy, bảo vệ và tạo điều kiện để công dân thực hiện.

Ông Lâm kiến nghị luật phải bao quát tất các hình thức hội họp, cả những hội không có hội viên, không có tư cách pháp nhân hay các tổ chức phi chính phủ.

"Phần lớn hội lập ra không phải chỉ để bảo vệ quyền lợi hội viên, mà quan trọng hơn là làm việc vì lợi ích công cộng. Các hội không vì lợi ích nhóm, mà ích nước, lợi nhà, tương thân tương ái và phát triển kinh tế xã hội", ông Lâm nói.

Theo ông, hiện dư luận kêu ca "nhiều hội quá" (cả nước có 500 hội cấp trung ương, hơn 14 nghìn hội các cấp), thực ra là vì hầu hết các hội trông vào ngân sách nhà nước.

{keywords}

Luật sư Hoàng Ngọc Giao

Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện chính sách pháp luật và phát triển lưu ý: Dự thảo luật không có điều khoản nào nói đến vai trò phản biện chính sách của hội, trong khi đây là yêu cầu của xã hội mà cũng là việc được Đảng và nhà nước khuyến khích.

Các ý kiến thảo luận đều đồng thuận: Quản lý hội không phải là cho các tổ chức này vào một cái hộp để họ chỉ được cựa quậy trong đó, mà là xây dựng khung pháp lý để bảo đảm quyền tự do lập hội của người dân.

Chung Hoàng