Việc thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu, và chưa bao giờ lĩnh vực này lại được các nền kinh tế - đặc biệt là các quốc gia trong khối APEC - quan tâm như hiện nay.

Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp trong các nền kinh tế APEC vẫn trong quá trình hoàn thiện và còn nhiều khoảng cách giữa các nền kinh tế. Các doanh nghiệp khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc kêu gọi nguồn lực. Điều này đòi hỏi các nước thành viên tăng cường hợp tác để tạo nền tảng vững chắc, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

{keywords}
Khởi nghiệp: Động lực cho sự phát triển khu vực APEC

Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017 với mục tiêu đẩy mạnh tinh thần kinh doanh APEC, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, để Việt Nam trở thành nơi gặp gỡ của các nhà khởi nghiệp hàng đầu trong khu vực và góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong nước, đã khai mạc ngày 12/9. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC do Bộ KH&CN phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Đánh giá về sáng kiến này, ông Nguyễn Tất Thành - Phó Trưởng Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 - cho biết, doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp hiện nay rất quan tâm thúc đẩy phát triển. Các bộ ngành đã rất nỗ lực thúc đẩy sáng kiến này của Việt Nam trong khuôn khổ APEC.

Ông nhấn mạnh, đối với những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, đây là vấn đề góp phần tạo dựng một môi trường năng động, hiệu quả, làm ăn chân chính cho cộng đồng DN. Sáng kiến của Việt Nam được các nền kinh tế thành viên đánh giá cao.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều thuận lợi để đi tắt đón đầu trong khởi nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp phát triển trên nền tảng công nghệ cao.

Nhưng trong một thế giới biến đổi không ngừng, một kỷ nguyên mới của tăng trưởng dựa trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã hình thành, nếu các nền kinh tế không có sự thích ứng kịp thời trong việc hoạch định chính sách để nắm bắt, sẽ bỏ qua nhiều cơ hội để phát triển. Đây sẽ là xu hướng bắt buộc trong khu vực APEC và thế giới.

Làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam

Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhấn mạnh, xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp là yêu cầu bức thiết nhất giúp cộng đồng khởi nghiệp tại các nước đang phát triển như Indonesia, Philippines, Việt Nam... vươn lên và phát triển mạnh mẽ.

{keywords}

Việt Nam hiện đang tích cực phát động hoạt động khởi nghiệp mạnh mẽ trên cả nước và có những chính sách mới, hỗ trợ cho khởi nghiệp. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có tinh thần khởi nghiệp cao trên thế giới. Theo chỉ đạo của Chính phủ, đến năm 2020, cả nước sẽ có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động. Đó là những tiền đề để hiện thực hóa quyết tâm chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo.

Bên cạnh đó, như ông Stewart Beck, Chủ tịch Quỹ châu Á - Thái Bình Dương của chính phủ Canada khi khái quát về toàn cảnh khởi nghiệp ở Việt Nam đánh giá, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là đảm bảo tiếp cận công nghệ truyền thông, chênh lệch mức trả thu nhập giữa nam và nữ ngày càng lớn, rất ít phụ nữ có vai trò lãnh đạo cao cấp; còn nhiều rào cản pháp lý đối với các nhà đầu tư nước ngoài đối với các dự án kinh doanh trong nước…

Để thúc đẩy khởi nghiệp, Việt Nam cần tăng cường các hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ; kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ, chú trọng đầu tư vào đổi mới sản phẩm đối với thị trường và tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam cũng cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa hệ thống đào tạo về kinh doanh, đặc biệt ở bậc phổ thông. Đây chính là cơ hội để Việt Nam và các nền kinh tế APEC tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, đưa ra sáng kiến để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo khởi nghiệp. Chỉ như vậy, Việt Nam mới có được đội ngũ doanh nghiệp mạnh, đủ sức cung cấp sản phẩm thương hiệu Việt, vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu.

Minh Tâm