- Chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng giải đáp hàng loạt vấn đề nóng, trong đó có thanh tra dự án khoáng sản Núi Pháo.

{keywords}
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: Thế Dũng

Trả lời báo chí về việc Bộ TN&MT quyết định thanh tra toàn diện dự án khoáng sản Núi Pháo (Thái Nguyên) xuất phát từ lý do gì và quan điểm của Chính phủ về dự án này như thế nào, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, theo luật Thanh tra, hàng năm các bộ, ngành và địa phương đều phải thực hiện kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch được phê duyệt. 

Ngày 25/11/2015, Bộ trưởng TN&MT đã phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2016, theo đó trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thanh tra một số cơ sở, trong đó có công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo (gọi tắt là công ty Núi Pháo). 

Cũng theo ông Mai Tiến Dũng, tháng 6/2016, người dân xã Hà Thượng (Đại Từ, Thái Nguyên) đã có khiếu kiện, tụ tập đông người phản đối về tình trạng ô nhiễm môi trường đối với dự án khoáng sản Núi Pháo.

Đến ngày 14/7, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có công văn số 147 báo cáo quá trình giải quyết các vấn đề môi trường của công ty Núi Pháo và các khiếu nại, kiến nghị của người dân xã Hà Thượng. 

Cùng ngày, Bộ TN&MT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên đẩy nhanh tiến độ thanh tra về TN&MT tại tỉnh Thái Nguyên, trong đó có công ty Núi Pháo, dự kiến vào đầu tháng 8/2016.

Như vậy, việc thanh tra toàn diện về TN&MT đối với công ty Núi Pháo là hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước. Qua thanh tra, Bộ TN&MT sẽ cùng với UBND tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn, chấn chỉnh Núi Pháo phải thực hiện đúng pháp luật; nếu phát hiện các vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời giải quyết thỏa đáng các kiến nghị, khiếu nại của người dân đối với hoạt động của công ty.

{keywords}
Ảnh: Thế Dũng

Sẽ sớm công bố khi nào môi trường biển an toàn

Về yêu cầu cho biết đã có kết quả đánh giá môi trường 4 tỉnh ven biển miền Trung kể từ sau sự cố Formosa và câu hỏi liệu môi trường biển đã an toàn chưa, phương án khắc phục của Chính phủ ra sao, Chủ nhiệm VPCP cho biết công tác khảo sát, đánh giá môi trường biển trải dài hàng km từ tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế là nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi có thời gian và nguồn lực.

Bộ TN&MT hiện đang cùng với các bộ ngành chức năng khác như Bộ NN&PTNT, Y tế… tiến hành nhiệm vụ này một cách khoa học, cẩn trọng và khẩn trương với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. 

“Kết quả sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất”- ông Dũng nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết thêm Thủ tướng đã giao cho Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khác, nhất là Bộ TN&MT xây dựng đề án khôi phục hệ sinh thái biển khu vực bị ảnh hưởng, báo cáo Thủ tướng.

Đề cập đến vụ việc nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) vừa gặp sự cố vỡ ống chứa trong quá trình vận hành thử, tràn hóa chất ra suối Đắc Dao, gây cá chết và một số người dân bị bệnh ngoài da,  người phát ngôn Chính phủ cho biết ngay sau khi sự việc xảy ra, sự cố đã được khống chế hoàn toàn; sau 24 giờ các cơ quan giám sát môi trường đã quan trắc trên dòng suối và xác định hồng độ PH ở mức cho phép. 

Tuy vậy, sự  cố đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và dư luận xã hội.

Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, xác định cụ thể nguyên nhân, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các cơ sở sản xuất cần tiếp tục rà soát, thường xuyên kiểm tra, đánh giá yêu cầu các chủ đầu tư chấp hành nghiêm các quy định kể cả trong quá trình đầu tư xây dựng cũng như trong quá trình sản xuất, bảo đảm an toàn khai thác, chế biến khoáng sản, chủ động có các biện pháp dự phòng để ứng phó khi xảy ra sự cố.

Chung Hoàng