- Chiều nay, hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF-Mekong) khai mạc tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu.  

Thủ tướng nhiệt liệt chào mừng lãnh đạo các nước, doanh nghiệp và đại biểu đến dự WEF - Mekong. 

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ảnh: VGP


Thủ tướng khẳng định, khu vực Mekong là một trung tâm phát triển năng động ở châu Á với nhiều nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhờ đẩy mạnh cải cách và hội nhập quốc tế. 

Khu vực này là điểm kết nối quan trọng ở châu Á và là một thị trường giàu tiềm năng với dân số 240 triệu người và quy mô GDP trên 660 tỷ USD. 

Tuy nhiên, khu vực Mekong đang gặp không ít thách thức. Đó là khoảng cách phát triển với các nền kinh tế khác trong ASEAN còn lớn, lợi thế lao động chi phí thấp đang giảm dần, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo...

Thông qua hội nghị WEF-Mekong lần này, Việt Nam mong muốn các nước, các doanh nghiệp Mekong đối thoại với các doanh nghiệp WEF về các ý tưởng, biện pháp tăng cường đối tác công-tư, phát triển hợp tác kinh doanh, đầu tư mang lại lợi ích cho các bên. 

Một Mekong hòa bình, ổn định

Thủ tướng đã chia sẻ những ý kiến để hiện thực hóa mục tiêu về một khu vực Mekong hòa bình, ổn định về an ninh - chính trị, năng động và kết nối về kinh tế, bền vững về môi trường và hài hòa về xã hội. 

Đó là: Kết nối kinh tế là một trọng tâm ưu tiên; Hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch là động lực quan trọng; Đổi mới sáng tạo nâng cao sức cạnh tranh; Phát triển bền vững và bao trùm là mục tiêu hàng đầu.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam là một thị trường trên 90 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng, GDP bình quân đầu người năm 2015 là trên 2.100 USD (nếu tính theo sức mua tương đương PPP là 5.600 USD). Mức tăng GDP bình quân 2016-2020 dự kiến là 6,5-7%/năm. 

Tháng 9/2015, Việt Nam là một trên 6 nước được LHQ vinh danh về việc đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nhất là xóa đói giảm nghèo.

Việt Nam luôn duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, bảo đảm an sinh xã hội, giữa vững ổn định chính trị - xã hội. Hiện nay, có hơn 21,000 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ USD, trong đó có các tập đoàn lớn hàng đầu trên thế giới, nhất là trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin như Fujitsu, Intel, Samsung, Nokia, Siemens, Acatel… 

Việt Nam đã ký 14 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định FTA với EU. 

Đây là những cơ sở quan trọng để Việt Nam mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho sự phát triển và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.

Tại các hội nghị cấp cao ACMECS và CLMV ngày mai, lãnh đạo các nước Mekong sẽ thảo luận những định hướng thúc đẩy hợp tác và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trong khu vực.  

Cuối bài phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh, các nước Mekong cần đẩy mạnh hợp tác với các đối tác, nhất là các nhà tài trợ đang có chương trình, dự án hợp tác tại khu vực như ADB, WB, các quốc gia phát triển Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Ấn Độ,… nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó cần hợp tác thực chất về quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước Mekong. 

Thái An