Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 chiều nay, Thủ tướng lưu ý, DN gặp rất nhiều khó khăn và một bộ phận không ít người lao động không có thu nhập, nghỉ việc, “phải nhận thức rõ tình hình khó khăn này để chúng ta có biện pháp xử lý trong tháng 5 và các tháng tiếp theo”.

Đề cập đến phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng nêu rõ, đến nay, chúng ta kiểm soát được dịch bệnh, đẩy lùi Covid-19 tại Việt Nam, nước có tỷ lệ số ca lây nhiễm trên dân số thấp nhất.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ lưu ý không được chủ quan, mất cảnh giác, vẫn tiếp tục chưa cho khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, vẫn đeo khẩu trang nơi đông người, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trở lại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba

Chính phủ đã có nhiều chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn, kịp thời, hợp lòng dân, đặc biệt là lần đầu tiên Đảng, Nhà nước trực tiếp hỗ trợ cho 20 triệu người khó khăn. Thủ tướng nhắc lại yêu cầu, phải đưa tiền đến đúng đối tượng, kịp thời gian.

“Tại phiên họp này tất cả các đồng chí thành viên Chính phủ và các vị đại biểu đều thống nhất quan điểm tiếp tục thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới, đặc biệt là phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, thực hiện nới lỏng để phát triển kinh doanh, nhất là các vùng công nghiệp trọng điểm, các đô thị lớn, những điểm tham quan nổi tiếng để phát triển mạnh du lịch nội địa”, Thủ tướng nói

GDP năm 2020 phải đạt mức tăng trưởng trên 5% 

Thủ tướng giao cho chính quyền địa phương căn cứ thực trạng tình hình trên địa bàn thực hiện các biện pháp, đối sách phù hợp và nhấn mạnh cần quán triệt tinh thần “khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba”, chung sức, đồng lòng, quyết liệt trên mặt trận sản xuất, kinh doanh và cảnh giác dịch bệnh. 

Một tinh thần quyết tâm vượt khó khăn, thách thức trên mặt trận phát triển kinh tế-xã hội, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết thúc đẩy nền kinh tế bật dậy, phát triển mạnh sau dịch.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng đề nghị từng lãnh đạo bộ, ngành, địa phương sâu sát hơn, giải quyết kịp thời các bức xúc của người dân và DN. Đề cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết không để cơ quan hành chính, thủ tục hành chính, cán bộ, công chức cản trở sự phát triển.

"Tất cả các cơ quan phải thực hiện nghiêm tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên. Phải xắn tay áo lên, vào cuộc, tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển ngành, địa phương mình trong phạm vi được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Các thành viên Chính phủ thể hiện bản lĩnh trí tuệ, đạo đức cách mạng của người lãnh đạo, không phải quyền anh, quyền tôi lúc này mà chính là vì đất nước, vì dân tộc, vì 100 triệu dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu rõ, phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, chứ không phải như dự báo của IMF là Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng 2,7%.

Đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn như vậy, thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa là 5 mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển, vượt qua khó khăn giai đoạn này.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh tình hình thế giới vô cùng khó khăn, nhiều nước tăng trưởng âm, nước ta lại hội nhập quốc tế sâu rộng, do đó, cần xem xét điều chỉnh phù hợp một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Việc này cần làm ngay và báo cáo Bộ Chính trị, QH ngay tại kỳ họp tới.

Với tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương và VPCP, các cơ quan liên quan khẩn trương cập nhật kịch bản tăng trưởng, điều chỉnh chỉ tiêu tăng GDP, các chỉ tiêu liên quan, trên cơ sở đó, Bộ Tài chính điều chỉnh kế hoạch thu ngân sách, bội chi và nợ công.

Theo VGP

Tướng Lương Tam Quang: CDC Hà Nội nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 gấp 3

Tướng Lương Tam Quang: CDC Hà Nội nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 gấp 3

Kết quả bước đầu xác định các đối tượng của CDC Hà Nội cùng các công ty cấu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Covid-19 lên gấp 3.