Thủ tướng cho rằng, Bến Tre là quê hương “đồng khởi thời chiến”, cần làm một “đồng khởi của thời bình”, thời kỳ toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0.

Sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2017. Cùng dự có lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương cùng 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Là tỉnh nằm trong khu vực ĐBSCL, Bến Tre được hợp thành bởi 3 cù lao là: lao Bảo, lao Minh và An Hóa. Thế mạnh chính là nông nghiệp, cụ thể là kinh tế vườn và kinh tế biển.Bến Tre được mệnh danh là “xứ sở Dừa” Việt Nam, với diện tích tới 70.000ha, sản lượng 600 triệu quả. Đây là nguồn nguyên liệu đầu vào đa dạng cho ngành công nghiệp chế biến và sản xuất các sản phẩm từ dừa. Là vùng cây ăn quả lớn với các loại cây nổi tiếng như: Bưởi da xanh, ca cao.

Có lợi thế khí hậu thuận lợi, vùng miệt vườn rộng lớn, sông ngòi chằng chịt, cây trái bốn mùa, là lợi thế lớn phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Tỉnh có bờ biển dài với 65km, thuận lợi phát triển kinh tế biển.

{keywords}
Thủ tướng gặp gỡ các nhà đầu tư tham dự hội nghị

Bến Tre kêu gọi thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, lĩnh vực du lịch sinh thái, văn hóa và nghỉ dưỡng, lĩnh vực chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ dừa và trái cây xuất khẩu... Lãnh đạo tỉnh cam kết đồng hành, hỗ trợ để doanh nghiệp thành công khi đầu tư vào Bến Tre.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao đông đảo nhà đầu tư tham gia hội nghị, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn được ví như những “đại bàng lớn” trong và ngoài nước.

Thủ tướng cũng đánh giá cao Bến Tre đã đưa ra những cam kết hỗ trợ nhà đầu tư làm ăn thành công, đã chuẩn bị căn bản các điều kiện để thúc đẩy khởi nghiệp và thu hút đầu tư, thể hiện sự chủ động và vai trò kiến tạo của Đảng bộ và chính quyền tỉnh.

Cho rằng Bến Tre là viên ngọc quý của vùng và đã đi vào nhiều bài thơ ca nổi tiếng, Thủ tướng nhấn mạnh Bến Tre là vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi. Ngoài phù sa được sông Tiền bồi đắp, Bến Tre cách trung tâm kinh tế TP.HCM chưa đầy 80 km.

Nơi đây cũng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nhiều người tài từ nhiều vùng cả nước đã gắn bó và thành công tại mảnh đất này.

Với những điều kiện đó, Thủ tướng cho rằng: “Bến Tre phải là tỉnh giàu có và năng động của cả nước. Mục tiêu chiến lược hàng đầu của tỉnh là phải thu hút các nhà đầu tư đẳng cấp, có công nghệ, tài chính, trình độ quản lý và nhìn thấy trước cơ hội của mình, gắn với các điều kiện độc đáo của Bến Tre. Điều kiện như vậy, tôi xin đưa ra một thông điệp rất đơn giản: Bến Tre muốn đón được “đại bàng” thì cần phải có tổ “đại bàng”.”

Thủ tướng gợi ý tỉnh 4 thành tố của “tổ đại bàng”. Đầu tiên là quỹ đất cho các nhà đầu tư, nhất là đất dành cho nuôi trồng thủy sản và phát triển nông nghiệp công nghệ cao; ưu tiên đất cho công nghiệp chế biến, cơ khí phục vụ nông nghiệp; xây dựng thành phố trung tâm, quy hoạch xây dựng phát triển hu công nghiệp.

Thành tố thứ hai là hạ tầng điện, giao thông phù hợp với quy hoạch và có chất lượng cao.

Thành tố thứ ba là cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho sự phát triển.

Thành tố nữa là các cấp chính quyền Bến Tre phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới và chấp nhận cái mới.

{keywords}
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng nhấn mạnh, Bến Tre phải có chính quyền đối thoại, đồng hành “ba cùng” là “cùng lo, cùng làm, cùng chia sẻ” với doanh nghiệp.

“Tôi rất vui mừng vì nhiều doanh nghiệp đến bà Đại sứ Đan Mạch, các nhà đầu tư Thái Lan, Nhật Bản đều ca ngợi tình cảm, trách nhiệm của chính quyền tỉnh Bến Tre. Nhưng tình cảm và trách nhiệm chưa đủ mà phải cầu thị lắng nghe “ba cùng” với doanh nghiệp” - Thủ tướng nhấn mạnh.

“Tôi nói ví dụ trở lại vấn đề thiếu đất, không chỉ Bến Tre mà nhiều tỉnh miền Tây nói chung, mặc dù thẳng cánh cò bay nhưng lại không có đất cho phát triển. Tại sao tỉnh Thái Bình, tỉnh Hà Nam họ làm được quỹ đất lớn như vậy, mà đất họ chủ yếu là “bờ xôi ruộng mật”, đất còn thiếu hơn đất của Bến Tre, nhưng quỹ đất họ rất nhiều. Có hình thức đầu tư nào để có quỹ đất lớn, để mở rộng hạn điền ra mà thực hiện đúng pháp luật không?!”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng cho rằng, Bến Tre cần có quyết tâm chính trị lớn, quê hương “đồng khởi thời chiến” cần làm một “đồng khởi của thời bình”, thời kỳ toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0.

Thủ tướng cho rằng đòn bẩy của “đồng khởi” lần này cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chiến lược.

Một trong những giải pháp được Thủ tướng nêu ra là: “Một là biến ‘nguy’ thành ‘cơ’ trong thích ứng với biến đổi khí hậu. Bến Tre là một trong những địa phương chịu tổn thương nhất. Cần có những cơ chế chính sách mới, công nghệ và mô thức liên kết mới để Bến Tre không còn là vùng trũng của biến đổi khí hậu mà là thung lũng của sự sáng tạo, của sự hội tụ kiến thức, kinh nghiệm và giải pháp, những sáng kiến khắc phục tiêu cực của thiên tai…”

Thủ tướng cũng cho biết, trong chuyến đi Nhật Bản vừa rồi cũng đã ký kết với hỗ trợ dự án quản lý nguồn nước Bến Tre trị giá gần 9.000 tỷ đồng.

Sắp tới, Thủ tướng sẽ chủ trì một cuộc họp với sự tham gia của Chính phủ Hà Lan để nghiên cứu vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở các tỉnh miền Tây Nam bộ và quan tâm trực tiếp đến các tỉnh chịu ảnh hưởng như Bến Tre.

Thủ tướng nêu giải pháp chiến lược khác là xây dựng Bến Tre trở thành thủ phủ dừa của Việt Nam, với những công nghiệp chế biến dừa tầm cỡ khu vực đem lại giá trị gia tăng cao.

{keywords}
Thủ tướng chứng kiến lễ trao các giấy chứng nhận chủ trương đầu tư 

Cây dừa không chỉ là thế mạnh mà còn là lá chắn bảo vệ vùng đất Bến Tre trong điều kiện xâm nhập mặn nặng nề như hiện nay, bởi dừa là loại cây chịu hạn mặn tốt.

Bến Tre hiện nay là vùng trồng dừa lớn nhất cả nước, thế nhưng Thủ tướng đặt vấn đề, làm thế nào để cây dừa nuôi được người nông dân, làm giàu cho người nông dân, nhất là khi thu lợi từ trồng dừa chỉ bằng 1/10 so với các cây ăn trái khác.

“Công nghệ chính là chìa khóa thay đổi tương lai, cần đặt cây dừa ở một tầm nhìn mới về các ngành công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, khoa học đời sống, khoa học sức khỏe, khoa học môi trường, như một đích đến cho khu vực kinh tế phát triển xung quanh dừa và sản phẩm từ dừa”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Bên cạnh các giải pháp vừa nêu, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng nuôi trồng chế biến thủy sản, nuôi tôm nước mặn, nước lợ, tôm thẻ chân trắng, tôm sú theo hướng công nghệ cao.

Bến Tre có 65km biển với chất lượng nước đảm bảo nuôi trồng theo hướng siêu thâm canh năng suất cao, đặc biệt là thuận lợi phát triển ngành nuôi tôm.

Cùng với đó, tỉnh cần phát triển du lịch, dịch vụ. Đây là nôi cách mạng ở phía Nam với nhiều điểm du lịch hấp dẫn ở ĐBSCL, gần trung tâm kinh tế lớn là TP.HCM, nên tỉnh cần tổ chức sắp xếp lại du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn để khai thác tiềm năng và lợi thế này.

Thủ tướng nhấn mạnh, chắc chắn đây là hướng đi quan trọng trong cơ cấu kinh tế xã hội Bến Tre.

Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, tỉnh Bến Tre đã ký bản ghi nhớ, cam kết đầu tư, trao các giấy chứng nhận chủ trương đầu tư với tổng trị giá khoảng 45.000 tỷ đồng.

Thủ tướng mong có nhiều ý kiến đóng góp cho đổi mới giáo dục

Thủ tướng mong có nhiều ý kiến đóng góp cho đổi mới giáo dục

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, với Đảng, Nhà nước

Thủ tướng: CSND cần lắng nghe tiếng nói nhân dân để hoàn thiện mình

Thủ tướng: CSND cần lắng nghe tiếng nói nhân dân để hoàn thiện mình

Thủ tướng nhấn mạnh: “Lực lượng của chúng ta cần lắng nghe tiếng nói của nhân dân để tiếp tục hoàn thiện mình, xứng đáng là CSND”.

Thủ tướng: Kiến tạo là phải có tinh thần vượt lên chính mình

Thủ tướng: Kiến tạo là phải có tinh thần vượt lên chính mình

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “Chính phủ kiến tạo không chỉ ở Hà Nội, mà chính là tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống".

Thủ tướng: Vị thế đất nước nâng cao là nhờ đóng góp của ngành ngoại giao

Thủ tướng: Vị thế đất nước nâng cao là nhờ đóng góp của ngành ngoại giao

Thủ tướng mong muốn, là tinh hoa của đất nước, các Trưởng đại diện phải nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Theo VOV