Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi Nghị viện châu Âu (EP) đã phê chuẩn hai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) với tỷ lệ phiếu thuận cao.

Đây là một sự kiện trọng đại của năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và EU. Thủ tướng cho rằng, người dân hai bên đều rất vui mừng về sự kiện quan trọng này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng cảm ơn Đại sứ vì sự nỗ lực, nhiệt tình, thúc đẩy EP thông qua hai Hiệp định. Đồng thời, qua Đại sứ, Thủ tướng chuyển lời cảm ơn sâu sắc tới các lãnh đạo và các nghị sĩ EU đã cùng nỗ lực và ủng hộ để EVFTA và EVIPA được phê chuẩn, đáp ứng sự mong đợi của cộng đồng DN và người dân hai bên.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam làm hết sức mình để thực hiện các cam kết với EU; nêu rõ, hai Hiệp định này sẽ đem lại lợi ích cho cả nhân dân hai bên.

Nhất trí với ý kiến của Thủ tướng, Đại sứ Pier Giorgio Aliberti cho rằng, có được kết quả này là nhờ nỗ lực chung của cả hai bên. Do đó, ông hết sức cảm ơn Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan tư pháp Việt Nam đã nỗ lực để quá trình này đi đến thành công.

Theo Đại sứ, số phiếu thuận cao cho thấy sự đánh giá tích cực của EU đối với Việt Nam; thể hiện lòng tin của EU đối với quá trình cải cách của Việt Nam. EU sẵn sàng đồng hành với Việt Nam trong quá trình này.

“Chúng ta cần chia vui với nhau thời khắc lịch sử này nhưng đây mới là sự khởi đầu để đi tới quá trình thực thi”, Đại sứ bày tỏ và tin tưởng Việt Nam sẽ nắm bắt được cơ hội này. EU cam kết sát cánh cùng Việt Nam để bảo đảm quá trình thực thi Hiệp định thành công.

Ghi nhận ý kiến của Đại sứ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam quyết tâm thực thi hiệu quả EVFTA và EVIPA. Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo các bộ, ngành của Việt Nam tích cực chuẩn bị các thủ tục nội bộ, sớm trình QH hồ sơ hai Hiệp định. Dự kiến QH Việt Nam sẽ xem xét, phê chuẩn EVFTA và EVIPA vào kỳ họp tới. 

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, Chính phủ Việt Nam sẽ sớm ban hành chương trình hành động quốc gia thực hiện hai Hiệp định với các nhiệm vụ, biện pháp đồng bộ, cụ thể và tổ chức triển khai nghiêm túc tới các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Trình độ phát triển của Việt Nam thấp hơn EU, do đó Thủ tướng mong EU nhận thức rõ sự khác biệt này để hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thực thi Hiệp định. Thủ tướng chia sẻ, năm nay, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, do đó, đây cũng là cơ hội để thúc đẩy quan hệ EU-ASEAN.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư EU làm ăn thành công ở Việt Nam; tin tưởng mạnh mẽ, hai bên có niềm tin rất lớn về triển vọng Hiệp định; tin tưởng Đại sứ sẽ có một nhiệm kỳ thành công ở Việt Nam, đóng góp tích cực thúc đẩy quan hệ hai bên phát triển mạnh mẽ.

Đại sứ Pier Giorgio Aliberti nhất trí cho rằng hai bên cần hợp tác trong quá trình thực thi, nâng cao nhận thức của người dân, DN về lợi ích của Hiệp định. Hai bên cần nắm bắt nhiều cơ hội trước mắt mà EU sẽ nỗ lực để tuyên truyền cho các DN của 27 quốc gia thành viên hiểu được cơ hội này và cụ thể hóa bằng các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Đại sứ cũng mong phía Việt Nam tuyên truyền tích cực cho người dân và doanh nghiệp hiểu rõ về Hiệp định. Đại sứ đánh giá cao sự hợp tác của phía Việt Nam trong việc lý xứ các kiến nghị, giải quyết các vấn đề mà phía EU quan tâm.

Hiện quan hệ Việt Nam - EU đang phát triển tốt đẹp. EU là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam; là đối tác thương mại lớn thứ tư (sau Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc), thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ) và nhà đầu tư lớn thứ năm của Việt Nam. Hai bên thường xuyên tiếp xúc cấp cao, tạo sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả.

Theo VGP

Thứ trưởng Ngoại giao 'tiết lộ' chông gai để có hiệp định đột phá với EU

Thứ trưởng Ngoại giao 'tiết lộ' chông gai để có hiệp định đột phá với EU

 Hai ngày trước khi bỏ phiếu thông qua 2 hiệp định EVFTA và EVIPA, Nghị viện châu Âu còn buộc phải bỏ phiếu về việc có hoãn cuộc bỏ phiếu hay không.