Ngày 7/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển, 136 quận, huyện, thị xã và 675 xã, phường, thị trấn về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Nếu chỉ nắm được một phần thì làm sao quản lý 100%

Bắt đầu cuộc họp, thay vì nghe ngay báo cáo của các bộ, ngành như chương trình dự kiến, với tinh thần sâu sát cơ sở, gần dân, Thủ tướng đã yêu cầu kết nối trực tiếp với nhiều đơn vị cấp huyện, xã tại những tỉnh có nhiều ngư dân vi phạm để tìm hiểu tình hình thực tế.

{keywords}
 Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng đặt hàng loạt câu hỏi với lãnh đạo các địa phương này: Đã tuyên truyền cho người dân về các chủ trương, đường lối, chính sách, quy định về khai thác hải sản chưa? Tuyên truyền bằng cách nào? Việc tổ chức thực hiện thế nào, có khó khăn gì? Tỉnh, huyện có xuống kiểm tra thực tế ở cơ sở không? Trên địa bàn xã, phường có người vi phạm không? Việc tổ chức quản lý cần thế nào để làm tốt hơn trong tình hình hiện nay?...

Câu trả lời cho thấy lãnh đạo nhiều địa phương nắm chắc các chủ trương, quy định, nhưng cũng có những nơi “xã mới nắm được một phần”.

Thủ tướng nêu rõ, cấp xã phải nắm chắc chủ trương, đường lối, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, huyện thì mới quản lý, tổ chức thực hiện tốt. “Nếu chỉ nắm được một phần thì làm sao quản lý 100%”, Thủ tướng nói.  

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, trong phòng chống Covid-19, lấy xã phường làm pháo đài thì để ngăn chặn vi phạm trong khai thác hải sản, phải phát huy vai trò của cấp xã, phường. Bởi đây là nơi gần dân nhất, sát dân nhất, biết dân nhất, sống với dân, cùng làm với dân, tiếp xúc trực tiếp nhất, nhiều nhất với dân.

"Việc nhỏ nhưng tổ chức không tốt thì việc nhỏ cũng không xong, việc nhỏ thành việc lớn, người dân không muốn vi phạm nhưng không tuyên truyền tốt thì người dân không biết rõ quy định, không hiểu rằng vi phạm ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, của địa phương, của cộng đồng và lợi ích của chính người dân", Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, ngành thủy sản đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn với sản lượng khoảng 9 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 8,5 đến 9 tỷ USD mỗi năm. Theo chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, đến năm 2030, sản lượng thủy sản đạt 10 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu khoảng 14 đến 16 tỷ USD.

Vì vậy, sự hiện diện và hoạt động của ngư dân trên các vùng biển đã giải quyết việc làm, sinh kế cho khoảng 1 triệu ngư dân và 4 triệu người liên quan; góp phần phát triển ngành thủy sản, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần quan trọng vào bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bên cạnh những kết quả đạt được rất cơ bản, ngành khai thác, đánh bắt hải sản còn nhiều hạn chế, yếu kém, dẫn tới việc Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh cáo thẻ vàng. Để gỡ “thẻ vàng” và không để bị “thẻ đỏ”, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt...

Phía EC đã đi kiểm tra thực tế tại Việt Nam 2 lần vào các năm 2017, 2019; ghi nhận những nỗ lực tích cực từ phía Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện các khuyến nghị của EC, chúng ta còn rất nhiều vấn đề chưa đạt yêu cầu; không những chưa gỡ được “thẻ vàng” mà còn có nguy cơ bị nâng lên “thẻ đỏ”.

Tàu cá tại nhiều tỉnh tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài – đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng. Vì vậy, Thủ tướng nêu rõ 10 tỉnh có tàu cá vi phạm phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xác định trách nhiệm.

Khích lệ người dân để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu chậm nhất trong năm nay, tức là còn 4 tháng nữa, phải chấm dứt tình trạng vi phạm của các tàu cá. Ban Chỉ đạo quốc gia phải hoạt động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm công việc, giám sát, kiểm tra. Các địa phương phải tổ chức quản lý, hướng dẫn ngư dân thực hiện nghiêm túc các quy định về khai thác, đánh bắt thủy sản.

“28 tỉnh thành phố, 136 huyện thị và đặc biệt là 675 xã phường thị trấn phải quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt, đạt được mục tiêu”, Thủ tướng yêu cầu.

{keywords}
 Chậm nhất trong năm nay, phải chấm dứt tình trạng khai thác hải sản trái phép

Thủ tướng lưu ý các địa phương tuyên truyền, vận động, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật tới tận người dân để người dân biết, hiểu, người dân tin, người dân theo, người dân làm. Cùng với đó là khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, đúng đối tượng; ai làm tốt phải khen, ai làm chưa tốt phải phê bình, kiểm điểm, ai vi phạm phải xử lý, kỷ luật...

Các địa phương khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng; giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trên biển.

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đề xuất hoàn thiện thể chế, khung pháp lý, nâng cao tính răn đe để người dân có ý thức hơn. Trong đó, triển khai đầu tư, đẩy mạnh số hóa, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, quản lý, khai thác hiệu quả thiết bị giám sát hành trình tàu cá, hỗ trợ ngư dân...

Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ ngành, cơ quan, địa phương vừa tuyên truyền, hướng dẫn, vừa động viên, khích lệ người dân để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”...

“Quyết tâm hành động, tổ chức thực hiện thật tốt, hướng dẫn nhân dân cùng làm để chậm nhất cuối năm nay, các hiện tượng vi phạm, tiêu cực chấm dứt, cùng EU gỡ thẻ vàng, đưa hoạt động khai thác thủy sản trở lại lành mạnh, phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế, phù hợp lợi ích chính đáng của đất nước ta nói chung và của ngư dân nói riêng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thu Hằng

Thủ tướng ra chỉ thị tháo gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam

Thủ tướng ra chỉ thị tháo gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam

Để tháo gỡ “thẻ vàng”, giữ uy tín thương hiệu thủy sản Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm công tác phối hợp, điều tra, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm.