- Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, trong danh sách 22 nhà khoa học đánh giá tác động môi trường của dự án nhận chìm 1 triệu m3 chất nạo vét không có ai bị mạo danh.

Tại họp báo thường kỳ Chính phủ chiều nay, nhiều báo đặt câu hỏi liên quan đến dự án nhận chìm 1 triệu m3 chất nạo vét ở biển Bình Thuận của Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Đến nay Bộ TN&MT, Viện Hàn lâm khoa học VN đã có báo cáo như thế nào về kết quả kiểm tra, đánh giá lại? Hướng xử lý của Chính phủ ra sao?

Trả lời, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng đây là cơ hội để ông chính thức có ý kiến trao đổi với báo chí.

“Ở đâu đó vẫn có những người dân không hiểu, nhầm lẫn vật chất nạo vét từ Nhiệt điện Vĩnh Tân là chất thải. Trên thực tế, Luật về biển, Công ước Luân Đôn (VN chưa tham gia) luôn quan niệm vật chất nạo vét từ biển là tài nguyên, khuyến cáo cố gắng xem xét tái sử dụng”, Bộ trưởng giải thích.

{keywords}
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng vẫn còn có sự hiểu lầm giữa vật chất nạo vét và chất thải

Bộ trưởng cho biết, dự án này đã được đánh giá tác động vào năm 2014, theo luật Bảo vệ môi trường 2005. Khi đó cũng đã hết sức quan tâm đến vấn đề môi trường, đều có tính toán tác động, tuy nhiên vấn đề nhận chìm chưa được quan tâm nhiều như hiện nay.

Vừa qua, Bộ đã tiếp cận theo luật Tài nguyên Môi trường biển, làm chặt chẽ hơn trên cơ sở xem xét lại toàn bộ báo cáo cũ dưới góc độ môi trường, đánh giá tác động đối với các hệ sinh thái biển.

“Có những vấn đề tại thời điểm trước báo cáo chưa lưu ý, chưa có những biện pháp chặt chẽ thì trong giấy phép nhận chìm lần này đã có những đề xuất để xem xét một cách toàn diện, bài bản hơn”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ và Bộ TN&MT trước tiên phải bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường. Môi trường phải hài hoà với phát triển.

Trong quá trình cấp giấy phép nhận chìm, Bộ trưởng Hà cho biết đã xem xét theo nhiều bước, dựa trên quy định pháp luật và các cơ sở khoa học xác đáng.

“Trong giấy phép chúng tôi đã yêu cầu khảo sát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng môi trường biển. Trên thực tế, chủ đầu tư đã có báo cáo khá đầy đủ thông qua các cơ quan cũng có năng lực như Viện Tài Nguyên môi trường biển, khảo sát trên diện tích 300ha vào năm 2012. Tuy nhiên khi người dân, dư luận, báo chí, nhà khoa học quan ngại, chúng tôi đã yêu cầu kiểm chứng lại”, Bộ trưởng nói.

Theo đó, Viện hải dương học Nha Trang đã thực hiện đánh giá độc lập hiện trạng môi trường, lấy đó làm nền để đánh giá tất cả tác động khi hoạt động nạo vét, nhận chìm xảy ra. Hiện đã thực hiện xong, kết quả đã công bố công khai.

Tuy nhiên Chính phủ đã giao viện Hàn Lâm đứng ra khảo sát độc lập, tập hợp các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực để đánh giá toàn diện.

“Kết quả của Viện Hải Dương học mới báo cáo được hiện trạng môi trường, hệ sinh thái còn Viện Hàn Lâm đang tiếp cận các vấn đề ở góc độ khoa học, xem xét từ các mô hình, vật vất, cơ lý hoá để rà soát lại toàn bộ xem các dự báo, phân tích có chính xác không”, ông Hà giải thích.

Ông cũng phủ nhận thông tin chuyên gia đánh giá tác động môi trường tại dự án nhận chìm bị mạo danh.

“22 nhà khoa học trong hội đồng của Bộ là những nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực. Không một nhà khoa học nào bị mạo danh cả. Còn các nhà khoa học bị mạo danh là thuộc bên tư vấn và thuộc về trách nhiệm pháp lý giữa nhà đầu tư với đơn vị tư vấn chứ không thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Tôi khẳng định như vậy”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đang cân nhắc thêm phương án lấp biển

Bộ trưởng Hà cho biết, Viện Hải dương học Nha trang học đã thiết lập một hệ thống để quan trắc ở các tầng nước, vị trí. Giả sử hoạt động nhận chìm diễn ra thì hoàn toàn có thể đánh giá được xem có tác động môi trường hay không.

Ông Hà cũng cho biết, quan điểm của Chính phủ là lấy môi trường là trên hết. Nhưng vấn đề tiến độ dự án, đáp ứng cân bằng năng lượng cho các tỉnh phía Nam cũng đang được đặt ra, khi dự báo từ 2018 trở đi, khu vực này sẽ thiếu điện.

Bộ trưởng cho biết, hợp đồng quy định nếu chậm trễ thì bên có lỗi sẽ phải chịu phạt 620.000 USD/ngày (khoảng 15 tỷ đồng). Việc này đặt Bộ Công thương, EVN và các bên phải lựa chọn phương án tốt nhất.

“Tôi cho rằng để đảm bảo vấn đề môi trường, Viện Hàn Lâm khoa học VN cần phải bình tĩnh và tiếp tục đánh giá vì có ý nghĩa về mặt lâu dài, nhu cầu nhận chìm, nhu cầu duy tu bảo dưỡng còn rất lớn”, ông Hà nêu quan điểm.

Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ cũng đang nghiên cứu xem xét tình hình sạt lở bờ biển ở Bình Thuận cũng như phương án lấn biển tại địa phương này.

“Nếu thực hiện theo phương án này cũng cần thời gian đánh giá môi trường. Chúng tôi đã có báo cáo Chính phủ xem xét”, Bộ trưởng TN&MT thông tin.

Thủ tướng yêu cầu đánh giá dự án nhận chìm vật chất ở biển Bình Thuận

Thủ tướng yêu cầu đánh giá dự án nhận chìm vật chất ở biển Bình Thuận

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về dự án nhận chìm vật chất ở biển Bình Thuận.

Kết quả khảo sát vùng biển nhận chìm bùn thải ở Bình Thuận

Kết quả khảo sát vùng biển nhận chìm bùn thải ở Bình Thuận

Viện Hải dương học Nha Trang vừa có báo cáo kết quả khảo sát vùng biển nhận chìm 1 triệu m3 nạo vét của Vĩnh Tân 1.

Bình Thuận đề xuất thay thế phương án nhận chìm bùn thải

Bình Thuận đề xuất thay thế phương án nhận chìm bùn thải

Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có văn bản gửi Ban Bí thư, Ban Kinh tế TƯ và Văn phòng TƯ Đảng về việc nhận chìm bùn cát, nạo vét xuống biển.

Vụ nhận chìm bùn thải: Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 'trần tình'

Vụ nhận chìm bùn thải: Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 'trần tình'

Phó tổng giám đốc Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 trao đổi xung quanh dự án đổ gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận.

Bộ trưởng TN&MT: Chưa giao biển để Nhiệt điện Vĩnh Tân thực hiện nhận chìm

Bộ trưởng TN&MT: Chưa giao biển để Nhiệt điện Vĩnh Tân thực hiện nhận chìm

Bộ TN&MT đang chờ kết quả đánh giá của các nhà khoa học, từ đó xem xét có bàn giao biển để DN được thực hiện nhận chìm hay không.

Thúy Hạnh – Thu Hằng