- Có nhiều vụ tiêu cực được xử lý nội bộ, nhanh chóng, kiểu "dội nước vội vàng" để không có cháy lớn, với vai trò của người đứng đầu vốn e sợ mang tiếng tham nhũng.

Tiếp tục trao đổi với VietNamNet xung quanh tố cáo, chống tiêu cực, tham nhũng, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH Lê Như Tiến đặt câu hỏi, tham nhũng được nhận diện phổ biến, tại sao chính các cơ quan của nhà nước lại không chủ động phát hiện ra tham nhũng ở các cơ quan mình.

“Luật phòng chống tham nhũng quy trách nhiệm người đứng đầu, cho nên phần lớn người đứng đầu không phanh phui ra mà chỉ xử lý nội bộ” - ông nói.

Kỷ luật lại được chuyển công tác

Liệu luật quy định rõ xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nếu để xảy ra tham nhũng có như "con dao 2 lưỡi" không, thưa ông? Vì như ông phân tích, quy định sẽ thúc người đứng đầu phải giải quyết, nhưng nếu giải quyết đến cùng chính bản thân họ cũng bị xử lý?

Luật quy định là bước tiến bộ bởi nếu người đứng đầu không chịu trách nhiệm thì ai muốn làm gì thì làm, ai muốn tham nhũng thì tham nhũng?

Có sự không thấu hiểu nhất định quy định của luật quy trách nhiệm của người đứng đầu nên thực tế người đứng đầu thường xử lý tiêu cực, tham nhũng nội bộ theo hướng 'tốt phô ra, xấu xa đậy lại', lấp liếm để cho có gọi là xử lý, nhưng không đến cùng, không nghiêm khắc. Cuối cùng phản tác dụng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

{keywords}
Ông Lê Như Tiến: Xử lý tham nhũng vẫn chưa đến cùng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Lẽ ra phải kỷ luật, buộc thôi việc hoặc đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, nhưng anh có thể tặc lưỡi, nghĩ việc này cũng đơn giản nên để xử lý nội bộ.

Xử lý nội bộ phê bình kiểm điểm qua loa theo kiểu dập cho nhanh để cho đám cháy không loang ra ngoài, dội nước vội vàng để đám cháy không cháy, không có lửa. Nhưng thực ra đám cháy vẫn âm ỉ bên trong.

Bên cạnh đó, lâu nay, chúng ta cũng chưa xử lý người đứng đầu mà chỉ xử lý người trực tiếp tham nhũng tiêu cực. Trách nhiệm người đứng đầu nếu xử lý cũng xử lý rất nhẹ nhàng, như khiển trách, chuyển công tác, thậm chí chuyển công tác ở vị trí cao hơn.

Đó chính là một nguyên nhân khiến tham nhũng không được giải quyết triệt để, khiến cho tố cáo tiêu cực, tham nhũng là bất thường.

Xóa nhòa đúng - sai?

Các kết luận kiểm tra, thanh tra tiêu cực hiện nay thường nêu đầy đủ cả những phần đúng, phần chưa đúng. Đó là việc bình thường. Và những kết luận kiểm tra của Trung ương sau đó thường giao cho cơ sở thực hiện. Ông nghĩ sao về lo ngại những đối tượng trong diện thanh tra, kiểm tra "hậu" kết luận sẽ lợi dụng những kết luận như vậy để bật lại người tố cáo tiêu cực? Chưa kể hiện tượng như ông nêu trên, trong nội bộ có khi rồi lại chỉ "đóng cửa bảo nhau"?

Nếu tố cáo 70% đúng, còn 30% có những chi tiết sai, người ta tố cáo cơ bản là đúng. Phải nhìn vào 70% này để xử lý, chứ không phải dung túng cho bên 30% để rồi những đối tượng "có vết" quay lại tấn công người tố cáo.

Các kết luận thanh tra, kiểm tra nên công khai chi tiết. Như tố cáo chưa đúng phải nói rõ chưa đúng chỗ nào, chỗ nào người tố cáo do thiếu thông tin nên sai, thậm chí dẫn đến những ảnh hường nghiêm trọng, thì ngay trong kết luận cần nói rõ.

Nhiều khi tỷ lệ đúng sai trong từng trường hợp rất khác nhau, nhưng đặt đối chiếu, đôi khi đúng phần nhỏ cũng có thể xóa nhòa ranh giới với sai.

{keywords}
Phải coi trọng hậu kiểm tra, thanh tra, giám sát, nếu không đơn tố cáo đi lòng vòng về lại chính trên bàn người bị tố cáo. Ảnh: Minh Thăng

Tôi từng chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ vì sao những năm qua có đến hơn 64.000 vụ thanh tra, kiểm tra các cấp mà chỉ phát hiện và chuyển cơ quan điều tra 464 vụ, chiếm 0,6%, như thế có phải là hành chính hóa các vụ tham nhũng tiêu cực không?

Rõ ràng, như thế xử lý có tính chất nội bộ, mang tính chất hành chính nhiều hơn, không đúng quy định của các văn bản pháp luật là khuyết điểm hay tội phạm đến đâu xử lý đến đó.

Chúng ta không thiếu văn bản pháp luật, cũng không thiếu cơ quan thanh tra, kiểm tra: UB Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ ngành... Nhưng phải có hậu kiểm tra, thanh tra, giám sát… mới có hiệu lực, hiệu quả.

Nếu không, đơn tố cáo sẽ cứ mãi lòng vòng, đi rồi lại về chính trên bàn của người bị tố cáo, để họ trù dập người tố cáo.

Đánh giá của ông về sự vào cuộc của cơ quan các cấp ủy đảng cấp trên, các cơ quan hành chính cấp trên khi họ phải là chỗ dựa cho cái chống tiêu cực tham nhũng?

Khi đã có kết luận, cơ quan hành chính cấp trên phải kiểm tra đôn đốc việc thực hiện. Nếu chưa thực hiện, phải "thổi còi" và có những giải pháp kiên quyết xử lý để đảm bảo nghiêm minh. Nếu chỉ dừng ở việc đưa ra văn bản kết luận, không giám sát triển khai thực hiện thì kiểm tra, thanh tra không bao giờ hiệu quả.

Linh Thư - Hồng Nhì