- Một bộ phận không nhỏ cán bộ, nhất là các nhóm lợi ích, vì tư lợi sẽ không tố giác, tố cáo mà còn tiếp tay cho tham nhũng - Thượng tướng Lê Quý Vương nói.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương. Ảnh: VietNamNet

Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện luật Phòng chống tham nhũng hôm nay, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho hay: "Đối với những hành vi tiêu cực, tham nhũng vặt, người dân ngại tố cáo, tố giác và nhiều khi có tố giác cũng khó đủ chứng cứ để xử lý theo pháp luật.

Đối với những vụ tham nhũng lớn, nghiêm trọng thường mang tính tập thể, có nhiều đối tượng tham gia, có quan hệ chặt chẽ với nhau, thông tin khép kín trong phạm vi nhất định nên rất khó phát hiện để tố cáo, tố giác với cơ quan chức năng, chỉ khi tiến hành điều tra, áp dụng các biện pháp tố tụng mới làm rõ được".

Do án tham nhũng bị xử lý nặng, nên các đối tượng quyết liệt cản trở ngay từ khi xác minh ban đầu đến khi xét xử bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như: cung cấp tài liệu không đúng, không khai báo hoặc che giấu tài liệu nhằm kéo dài thời gian; đưa thông tin không đúng sự thật tạo nên dư luận nhằm gây khó khăn trong chứng minh tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng…, ông Vương chỉ ra.

Bộ Công an kiến nghị sửa luật Báo chí 2016 theo hướng: Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND và thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh và tương đương trở lên có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin những bài báo đăng về nội dung tố giác tội phạm tham nhũng để phục vụ yêu cầu điều tra, xác minh theo quy định của pháp luật.

Xây dựng luật Bảo vệ nhân chứng để khuyến khích người phát hiện, tố giác tội phạm, bảo vệ người dũng cảm phát hiện đấu tranh chống tham nhũng ở nội bộ các đơn vị.

Sự tinh vi của tội phạm tham nhũng cũng gây khó khăn cho việc xác định rõ hậu quả vật chất làm căn cứ buộc tội "gây hậu quả nghiêm trọng".

"Việc xác định, đánh giá hậu quả phi vật chất như uy tín của cơ quan, niềm tin của nhân dân..., trong một số vụ án chưa có sự thống nhất", ông Lê Quý Vương nói.

Từ đó, việc thu hồi tài sản tham nhũng chưa thể triệt để do đã được tẩu tán, tiêu xài, đứng tên người khác...

"Tội tham nhũng là loại tội phạm có chủ thể đặc biệt, là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn nhất định, có ảnh hưởng và quan hệ phức tạp, thủ đoạn che dấu tinh vi và luôn tìm cách che đậy, gây khó khăn ngay từ công tác phát hiện và trong quá trình điều tra, thu hồi tài sản tham nhũng", Thứ trưởng phân tích.

Chấp nhận "lót tay"

Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hải Phong cũng thừa nhận: "Quá trình phạm tội, các đối tượng không chỉ thực hiện hành vi phạm tội một cách tinh vi, có tổ chức chặt chẽ, che đậy dưới nhiều hình thức khác nhau mà còn biết cách hợp lý hóa tài sản, hợp lý hóa chứng cứ, tài liệu, gây thách thức không nhỏ với các cơ quan tố tụng trong quá trình chứng minh tội phạm, cũng như thu hồi tài sản".

Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ nhận định: "Tham nhũng ngày một tinh vi, lợi dụng cơ chế, chính sách, kẽ hở của pháp luật thực hiện các hành vi tham nhũng. Trong những vụ việc phát hiện tham nhũng, có biểu hiện của lợi ích nhóm, cấu kết chặt chẽ thành một nhóm người, có những vụ việc tạo ra lợi ích nhóm từ việc xây dựng hoặc lợi dụng cơ chế, chính sách để làm lợi cho một số người có chức vụ, quyền hạn.

Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, người dân xuất hiện tâm lý khi giao dịch, tiếp xúc với cơ quan, đơn vị cần phải 'lót tay', chấp nhận tiêu cực, tham nhũng hoặc tìm cách tác động bằng nhiều hình thức khác nhau để công việc được trôi chảy, nhanh chóng, vô hình trung đã tiếp tay cho tiêu cực, tham nhũng".

Chung Hoàng