- Bị truy tố với hai tội danh bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản, hầu tòa lần này ông chủ “địa ngục” massage Tân Hoàng Phát đối diện mức án cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.

Hôm nay (ngày 4/9), TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa sơ thẩm lần thứ 2 xét xử vụ án “bắt giữ người trái pháp luật” và “cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại cơ sở massage kích dục Tân Hoàng Phát (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM). Vụ án từng gây rúng động dư luận hồi cuối năm 2008.

Theo cáo trạng, 6 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Phan Cao Trí (41 tuổi, chủ cơ sở massage Tân Hoàng Phát), Phan Thị Yến (35 tuổi, vợ Phan Cao Trí), Phan Việt Hậu (29 tuổi, em vợ Trí), Phan Quốc Cường (37 tuổi, quản lý), Nguyễn Minh Phương (40 tuổi, quản lý) và Nguyễn Hoài Nhanh (29 tuổi, phó quản lý).

{keywords}

Vợ chồng Phan Cao Trí tại phiên tòa phúc thẩm cuối năm 2011

Trong đó, bị cáo Phan Cao Trí được xác định giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án. Bị cáo Trí bị truy tố cả 2 tội danh là “bắt giữ người trái pháp luật” và “cưỡng đoạt tài sản” với khung hình phạt cao nhất cho mỗi tội danh là từ 3 đến 10 năm tù. Như vậy, ông chủ “tập đoàn” massage Tân Hoàng Phát có thể đối diện mức án cao nhất lên đến 20 năm tù.

Theo cáo trạng, Công ty TNHH Tân Hoàng Phát thành lập ngày 11/10/2005 do Phan Cao Trí đứng tên đại diện pháp luật. Đến tháng 6/2008, Trí chuyển cho em vợ là Phan Việt Hậu đứng tên đại diện nhưng mọi hoạt động của công ty vẫn do Trí đứng sau điều hành. Ngoài cơ sở này, Trí còn làm chủ 4 cơ sở massage khác gồm Công ty Kim Thu, Hoàng Thành, Newstart, Hoàng Vân III hoạt động tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Để điều hành hoạt động chuỗi công ty trên, Phan Cao Trí cùng vợ là Phan Thị Yến đã tập hợp nhiều thành viên trong gia đình cùng một số đối tượng ngoài xã hội thành lập một “tập đoàn” massage kích dục trá hình. Để che mắt cơ quan chức năng, khi tiếp nhận các cô gái xin vào làm, Trí và Hậu buộc họ phải ký một hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm việc 8 tiếng/ngày, có chế độ nghỉ lễ, nghỉ phép và bảo hiểm theo quy định.

Ngoài hợp đồng giả trên, Trí và Hậu cũng buộc mỗi nhân viên phải ký 2 bản thỏa thuận khác là buộc nhân viên phải ăn ở trong công ty, không được phép ra ngoài, nếu làm việc dưới 6 tháng mà xin nghỉ thì phải bồi thường 24 triệu đồng. Sau khi đặt bút ký những cam kết trên, những nhân viên này phải làm việc 16 tiếng/ngày, không được trả lương theo đúng hợp đồng, không được nghỉ phép, không được tự do đi lại, sống nhờ vào tiền “boa” của khách.

Hàng ngày, khoảng 9h sáng, bảo vệ của Trí sẽ đưa nhân viên đi bộ từ nhà sang Công ty Tân Hoàng Phát làm việc đến rạng sáng hôm sau họ mới được nghỉ. Tại cơ sở Newstart, bảo vệ sẽ giám sát nhân viên lên xe ô tô để tài xế chở đi về. Hai cơ sở còn lại, Trí buộc nhân viên ăn ở tại cơ sở làm việc, không cho ra ngoài và luôn bị canh giữ cẩn thận. Gia đình tiếp viên không được tiếp xúc, gặp mặt nếu không được Trí và các nhân viên quản lý đồng ý.

Ngoài việc khống chế quyền tự do của các bị hại, những ai muốn nghỉ việc hoặc về phép phải nộp cho Yến 15 triệu đồng tiền thế chân, nếu nghỉ họ sẽ mất luôn số tiền này. Trong số những người bị bóc lột, có nữ tiếp viên do chiều khách nên mang thai, biết chuyện Trí cho người chở đến bệnh viện ép phá thai, đánh đập.

Tổng cộng, 73 tiếp viên nữ là nạn nhân của vợ chồng Phan Cao Trí và đồng phạm. Trong đó, 64 người đã bị bắt, giữ trái pháp luật và 9 nạn nhân trong số họ còn bị cưỡng đoạt tài sản với tổng số tiền 184 triệu đồng.

Với hành vi trên, tháng 1/2011, kết thúc phiên sơ thẩm lần thứ nhất, Trí bị TAND TP.HCM tuyên phạt 12 năm tù, Yến lãnh 6 năm tù, 4 bị cáo còn lại từ 2 đến 10 năm tù.

Tại phiên xử phúc thẩm, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã bất ngờ tuyên giảm hơn phân nửa mức án cho các bị cáo. Theo đó, Trí còn 5 năm tù, Hậu còn 4 năm 6 tháng tù, Cường còn 4 năm tù, Phương và Nhanh còn 1 năm 6 tháng tù; riêng Phan Thị Yến còn 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã tuyên hủy toàn bộ 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm trên để điều tra, xét xử lại từ đầu.

M.Phượng