Theo điều tra ban đầu, lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, nhu cầu thiết bị phục vụ công tác chống dịch Covid-19 cao, Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Việt Á) và Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương) đã thỏa thuận thống nhất: Công ty Việt Á sẽ cung cấp sinh phẩm, bộ kit và hóa chất xét nghiệm Covid cho CDC Hải Dương sử dụng trước, sau đó mới hợp thức thủ tục đấu thầu, ký hợp đồng và thanh quyết toán sau theo phân bổ ngân sách của tỉnh cho CDC Hải Dương chống dịch.

Đồng thời, Việt và Tuyến còn thỏa thuận và thống nhất về việc Công ty Việt Á sẽ chi tiền “lại quả” cho Phạm Duy Tuyến theo hợp đồng Công ty Việt Á được CDC Hải Dương ký kết và thanh quyết toán.

{keywords}
Bị can Phan Quốc Việt

Để có tiền trích % cho Phạm Duy Tuyến, Phan Quốc Việt đã nâng khống giá đầu vào chi phí sản xuất sản phẩm vật tư, thiết bị của Công ty Việt Á, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, giúp sản phẩm được tiêu thụ nhiều và lợi nhuận lớn.

Từ tháng 2- 11/2021, CDC Hải Dương đã hợp thức ký kết và thanh toán cho Công ty Việt Á 5 hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị y tế với tổng số tiền hơn 151 tỷ đồng.

Phan Quốc Việt đã chỉ đạo Vũ Đình Hiệp (Phó TGĐ Công ty Việt Á), Phan Tôn Noel Thảo (Trợ lý Tài chính Công ty Việt Á), Hồ Thị Thanh Thảo (Thủ quỹ Công ty Việt Á) và các nhân viên dưới quyền tính toán và chuyển tiền cho Phạm Duy Tuyến theo tỷ lệ % trên từng hợp đồng đã thỏa thuận với Tuyến từ trước.

Tổng cộng, Công ty Việt Á đã lại quả cho Phạm Duy Tuyên 27 tỷ đồng. Đây là số tiền được trích % trên tổng giá trị theo 5 hợp đồng.

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, số tiền hưởng lợi trong vụ án là rất lớn, hành vi trục lợi trên nỗi sợ hãi, lo lắng của cộng đồng rất đáng lên án.

Với kết quả điều tra xác minh ban đầu như vậy cho thấy, đã có sự thông đồng giữa doanh nghiệp cung cấp vật tư y tế đối với lãnh đạo ngành y tế ở địa phương để doanh nghiệp đặc quyền, đặc lợi, được chỉ định thầu; doanh nghiệp này đã bán được số vật tư y tế thu về doanh thu đến 4.000 tỷ đồng.

Theo luật sư, hành vi của các bị can làm thất thoát tài sản của nhà nước, làm tăng giá xét nghiệm, gây thiệt hại đến tài sản của nhiều tổ chức, cá nhân. Bởi vậy, việc CQĐT khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là có cơ sở.

CQĐT sẽ làm rõ hành vi vi phạm pháp luật được các đối tượng thực hiện như thế nào, vai trò của từng đối tượng và hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xác định trách nhiệm pháp lý cụ thể, đồng thời thu giữ các tài sản để đảm bảo khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản cho nhà nước.

“Tất cả các tài sản do phạm tội mà có và thu lợi bất chính sẽ đều bị tịch thu sung công quỹ”, lời luật sư Đặng Văn Cường.

Lợi dụng dịch bệnh để trục lợi - tình tiết tăng nặng

Tiến sỹ Đặng Văn Cường cho hay, theo quy định của Luật đấu thầu, các gói thầu "mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách" thì sẽ tiến hành chỉ định thầu chứ không tổ chức đấu thầu rộng rãi.

{keywords}
Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường

Tuy nhiên, việc chỉ định thầu cũng phải theo quy định của pháp luật để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng trong hoạt động đấu thầu.

Nếu việc chỉ định thầu được thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật, khách quan để lựa chọn nhà thầu hợp lý, kiểm tra rà soát kỹ giá cả thị trường đối với hàng hóa sản phẩm dịch vụ thì sẽ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước, mua sắm được vật tư y tế có chất lượng, giá cả hợp lý.

Tuy nhiên, trong vụ án này, các đối tượng đã cấu kết với nhau để nâng giá vật tư y tế khiến nhà nước phải chi một số tiền rất lớn mới mua được lượng hàng hóa như vậy, đồng thời khiến hoạt động xét nghiệm đối với nhân dân bị đội giá, hai lần thiệt hại xảy ra đối với xã hội.

Bởi vậy, mức hình phạt đối với các bị can trong những vụ án này sẽ rất nghiêm khắc. Ngoài ra, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cũng bị coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

“Trong quá trình điều tra vụ án này, CQĐT cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, mở rộng điều tra đối với các địa phương khác, để làm rõ các sai phạm có liên quan của các bị can, giải quyết vụ án một cách triệt để, công bằng, đúng pháp luật”, lời tiến sỹ Đặng Văn Cường.

Đã đến lúc dẹp loạn 'sân sau' trong lĩnh vực y tế

Đã đến lúc dẹp loạn 'sân sau' trong lĩnh vực y tế

Thêm một vụ án gây rúng động trong ngành y, cho thấy sự suy thoái về đạo đức của một số cán bộ ngành này và hiện tượng "sân sau", phạm tội có tổ chức là rất rõ ràng.

T.Nhung