- "Tên tuổi, công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam, của quân đội nhân dân Việt Nam, của những vị tướng tài ba, lừng lẫy trên thế giới" - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết trong sổ bút tích triển lãm ảnh về Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chiều 22/8. 


Trong sổ bút tích, Chủ tịch nước ghi:"Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Tên tuổi, công lao của đồng chí mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam, của quân đội nhân dân Việt Nam, của những vị tướng tài ba, lừng lẫy trên thế giới.  Tổ quốc, nhân dân và Đảng kính yêu mãi mãi ghi nhớ công lao của đồng chí".

Chủ tịch nước tham quan triển lãm.

Tự nhận để chuẩn bị cho thấu đáo dễ phải mất 1-2 năm, song Ban tổ chức triển lãm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp không muốn lỡ thời điểm lịch sử - sinh nhật ông lần thứ 100.

Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam (bên trái Đại tướng, đứng thứ 4 từ trái sang) quan sát Đại đội 6 Trung đoàn 233, Đoàn Cao xạ Đống Đa huấn luyện (Tết Mậu thân năm 1968). Ảnh triển lãm.

Triển lãm khai mạc cùng với ấn bản phẩm cùng tên ra mắt chiều 22/8 tại Hà Nội, nói như Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn, đó là món quà ý nghĩa gửi tặng chúc sức khỏe thượng thọ trăm năm tuổi tới Đại tướng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh B52 của Mỹ tập kích vào Hà Nội. Ảnh triển lãm.


Hai vị du khách nước ngoài, do lý do an ninh chuẩn bị cho buổi khai mạc với sự tham dự của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đã kiên nhẫn chờ đợi ở cửa hơn 1 tiếng đồng hồ cho đến khi triển lãm được mở cửa chính thức đón khách tham quan. Họ cũng như nhiều du khách nước ngoài khác biết đến cái tên: Võ Nguyên Giáp với vai trò lịch sử huyền thoại trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Trên đường đi Chiến dịch Biên giới, Đại tướng thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1950). Ảnh triển lãm.

Gọi triển lãm ảnh về Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là "triển lãm của nhân dân" đúng về nhiều nghĩa. Bởi, nguồn ảnh tư liệu quý giá sử dụng tại đây được khai thác từ trong nhân dân, đồng bào, đồng đội của ông cùng nhiều ảnh tư liệu vô danh, ảnh khai thác từ nguồn bảo tàng, báo chí thông tấn.

Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Ảnh triển lãm.


Nhà văn Mỹ Lady Borton, người hiệu đính tiếng Anh cho cuốn sách Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, nói rằng bà khâm phục vị Đại tướng huyền thoại bởi "ông từ nhân dân mà ra".

Đại tướng thăm Đền Hai Bà Trưng, Hát Môn, Phúc Thọ (Hà Tây cũ), một lão nông tặng đĩa bánh trôi tượng trưng cho lòng kính trọng của dân làng đối với người có công với dân, với nước. Ảnh triển lãm.

Cũng là người từng dịch, hiệu đính cho cuốn sách Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp: "Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử", nữ nhà văn người Mỹ nói rằng bà được tiếp cận nhiều nguồn tư liệu cả từ trong Việt Nam và nước ngoài, nhận thấy rằng vị Đại tướng đã luôn suy nghĩ vì nhân dân với chân lý: có dân là có tất cả.

Cựu
quân nhân tham quan triển lãm

Một người không được đào tạo chính quy trong trường quân sự nhưng đã vinh danh từ những chiến công lịch sử, mà chiến công đó không thể có được nếu không có nhân dân, những đồng bào, đồng đội của ông.  

Vì ngưỡng mộ và cũng xuất phát từ niềm đam mê nghiên cứu, nữ nhà văn Mỹ đã không quản công tìm kiếm những tài liệu ở nước ngoài viết về Đại tướng, Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam để dịch và trao cho gia đình ông.

Đại tướng gặp Bùi Duy Ly, phóng viên ảnh chiến trường Báo Quân đội nhân dân. Ảnh triển lãm.

Rất nhiều cựu quân nhân đã đến triển lãm. Nhiều người chỉ từng gặp Đại tướng một lần trong cuộc đời, có người không có dịp, có người mang nhiều kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng.

Tháng 9/2007, ông Raymond Aubrac, người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam cùng con gái Elizabeth, con nuôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Việt Nam. Ông Aubrac cùng con gái đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 2/9/2007. Ảnh triển lãm.


Ông Đào Đình Hy, cựu chiến sĩ phòng không có vinh dự 2 lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1973 và năm 1976, nói ông ấn tượng nhất đôi mắt của Đại tướng. "Đó là đôi mắt sắc sảo, mang cái nhìn toàn cục. Tôi khâm phục người chỉ huy đầy tài năng, mưu lược, tự hào là bộ đội Cụ Hồ, dưới quyền chỉ huy của Đại tướng làm cách mạng kháng chiến", ông Hy nói.

Theo ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin - Truyền thông, có lẽ đây là một triển lãm "làm khó" Ban tổ chức bởi lẽ nguồn ảnh trong nhân dân về Đại tướng, Tổng tư lệnh quá lớn. Những bức ảnh trưng bày trong triển lãm chỉ là một phần nhỏ, vẫn còn nhiều ảnh chưa khai thác hết. Trong khi nguồn tư liệu từ báo chí, tư liệu nước ngoài, các nguồn nghiên cứu khác được cho còn khá lớn.

Con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh Võ Hồng Nam (trái) giới thiệu với khách quốc tế tại triển lãm.

Con trai Đại tướng, anh Võ Hồng Nam trong buổi triển lãm không giấu được xúc động vì tình cảm của đồng bào, đồng chí dành cho ba anh. "Gia đình chúng tôi muốn cảm ơn nhân dân, cảm ơn tình cảm của đồng bào dành cho ba tôi". Và điều người con trai học từ ba mình, đó là "ba tôi luôn nói Bác Hồ dặn dĩ công vi thượng, cái gì có lợi cho cái chung thì phải làm cho tốt. Cả cuộc đời ông đã đi theo điều đó".

Thế hệ trẻ với bài học lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

100 tuổi (dương lịch), 101 tuổi (âm lịch), xưa nay luôn là điều hiếm. Vị Đại tướng đã sống 1/10 lịch sử của Thăng Long ngàn năm tuổi, đi xuyên qua hai thế kỷ với cuộc đời cách mạng vẻ vang, chói lóa. Người con trai của Đại tướng nói hiện ông tỉnh táo, nhận biết được người thân cũng như khách đến thăm hỏi và biết đến cuộc triển lãm này.

Triển lãm với nguồn ảnh tư liệu phần lớn từ đồng đội, nhân dân.

200 bức ảnh chọn lọc từ 300 bức trong cuốn Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đang được trưng bày tại nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội.

Xuân Linh - Ảnh: Minh Thăng