- Tranh thủ ít phút đăng đàn tại hội nghị triển khai kế hoạch 2012 của Chính phủ, Chủ tịch tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung ngỏ ý muốn đầu tư thêm 2 - 3 sân golf để đáp ứng nhu cầu người chơi.

TIN LIÊN QUAN:

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung muốn xin Chính phủ xây thêm sân golf. Ảnh: Lê Nhung

Ông Cung cho hay, hiện nay Bình Dương đã có 3 sân gôn 18, 28 và 38 lỗ. Trong đó, tỉnh đã đưa vào sử dụng hai sân và ngay lập tức bán hết sạch thẻ hội viên. Nhu cầu nhiều đến mức nếu ai đó muốn đến chơi là phải đăng ký trước cả tuần.

"Ở Bình Dương mà phát triển thêm từ 2 đến 3 sân nữa thì vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu trong khu vực", ông Cung nói.

Giải thích cho "đòi hỏi" có vẻ vô lý trong bối cảnh Chính phủ đang siết đầu tư sân golf, ông Cung nói, Bình Dương có đặc thù là thu hút rất nhiều nhà đầu tư nên số lượng người chơi cũng đông hơn nơi khác. "Sáng chủ nhật, không khí ở các sân golf Bình Dương không khác gì các sân lớn ở Singapore với hàng trăm ô tô. Nhìn quang  cảnh đó rất hấp dẫn. Riêng Bình Dương dù có phát triển thêm 2 đến 3 sân golf nữa cũng vẫn hiệu quả", ông Cung khẳng định.

Ý kiến của ông Lê Thanh Cung chỉ là một trong số rất nhiều đề xuất được nêu trong phiên thảo luận chiều 22/12. Trước đó, chủ tịch nhiều tỉnh thành cũng tranh thủ phàn nàn khó khăn ở địa phương và nêu nguyện vọng muốn được đầu tư vào nhiều hạng mục hạ tầng để thúc đẩy phát triển.

Rất mong Chính phủ đầu tư

Hầu hết lãnh đạo các tỉnh đều chia sẻ với nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ trong năm qua, tin tưởng vào mục tiêu cho năm 2012 sắp tới. Tuy nhiên, điều băn khoăn là nếu tình hình kinh tế 2012 tiếp tục khó khăn, đầu tư công được siết chặt sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng chung. Vì vậy, dù hầu hết đều nói "rất ngại, rất xấu hổ, rất không muốn nói"... nhưng ai cũng mong Chính phủ quan tâm đến tỉnh mình.

Theo Chủ tịch UBND Bình Dương Lê Thanh Cung, những khó khăn mà DN đã phải gánh chịu trong năm 2011 sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ cho năm 2012. Và sẽ tác động dây chuyển đến hệ thống ngân hàng. Thậm chí, nếu xảy ra tình trạng phá sản ở các DN trên địa bàn Bình Dương thì sẽ lây lan khó khăn chung cho cả vùng Đông Nam Bộ.

Ông Cung mong muốn Chính phủ "nới" tay đầu tư thêm cho tỉnh để góp phần đẩy mạnh kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, như một biện pháp động viên lúc khó khăn.

Chủ tịch tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi cũng mong muốn Chính phủ bố trí thêm vốn để giải quyết khó khăn, khai thông một số bế tắc trong đầu tư hạ tầng. Điển hình là tuyến đường quốc lộ chạy qua tỉnh vẫn còn tới 50 cây số dang dở do thiếu vốn.

Chủ tịch Phú Thọ Hoàng Dân Mạc cũng bộc bạch: "DN trên địa bàn tỉnh chúng tôi rất khó chống đỡ với khó khăn năm vừa qua. Rất khó để DN nhỏ và vừa phát triển". Ông chia sẻ, lo nhất là sẽ mất điểm chỉ số năng lực cạnh tranh do hạ tầng xuống cấp quá nhiều và quá nhanh. Vì vậy, rất mong Chính phủ đầu tư cho Phú Thọ để nâng cao hạ tầng, tạo điều kiện để Phú Thọ không còn nghèo.

Ông  Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng phàn nàn, "khó nhất vẫn là vốn đầu tư từ ngân sách, giống như các tỉnh khác".

Tuy nhiên, ông Thắng cũng chủ động "tiếp thị": "Bộ trưởng Y tế nói đang thiếu đất xây bệnh viện. Chúng tôi khẳng định vẫn còn rất nhiều đất ở nội thành. Bộ trưởng Y tế có thể quan tâm đến các cơ hội dành cho tỉnh chúng tôi".

Theo ông Thắng, tỉnh vẫn phát triển khu công nghiệp, làm sân golf, nhưng tất cả đều là quỹ đất ở trên núi, đất nội đô vẫn còn rất nhiều và cơ hội để đầu tư luôn rộng mở. Ông liệt kê một số hạng mục hạ tầng mà tỉnh đang chủ động kêu gọi đầu tư, chẳng hạn sân bay Cam Ranh.

Lãnh đạo các tỉnh trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh: Lê Nhung

Không thể giảm ùn tắc trong 1 - 2 năm

Khác với các tỉnh thành khó khăn, mối quan tâm của lãnh đạo hai thành phố lớn tập trung vào chuyện an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc.

Theo Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, một trong các điểm nóng bức xúc và là rào cản cho Thủ đô là ùn tắc giao thông mà nguyên nhân chủ yếu vì hạ tầng thấp kém và sự gia tăng quá mức phương tiện cá nhân. Tính đến cuối năm nay, Hà Nội có 4,1 triệu xe, trong đó có 3,7 triệu xe máy và 400 ngàn ô tô. Riêng 10 tháng đầu năm, đã có 40 nghìn ô tô được đăng ký mới.

Ông Thảo khẳng định, hạn chế phương tiện cá nhân chỉ là một phần. Vấn đề còn lại là hạ tầng. Do đó, ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan Trung ương nên đẩy nhanh tiến độ di dời bệnh viện, trường học ra khỏi nội thành. Nghiêm túc thực hiện quy hoạch chung vừa được Thủ tướng phê duyệt và nghiên cứu quy định về hạn chế nhập cư.

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đề nghị Chính phủ xem xét lại bất cập: Yêu cầu giảm ùn tắc giao thông nhưng lại cho quá nhiều DN sản xuất xe gắn máy.

Theo báo cáo của ông Quân, TP.HCM có 5,8 triệu phương tiện cá nhân gồm 5,2 triệu xe gắn máy, 600 nghìn ô tô. Tỷ lệ xe gắn máy ở đây chiếm tới 1/5 lượng xe của cả nước, ô tô chiếm tới 1/3. Trong khi diện tích đường xá chỉ chiếm 5% diện tích đường của cả nước.

"Không có giải pháp nào ngăn chặn được, chỉ có huy động toàn xã hội, kết hợp biện pháp hành chính và kinh tế. Cũng không thể nào giải quyết trong 1 - 2 năm", ông Quân cho hay.

Hôm nay, Chính phủ tiếp tục thảo luận tìm giải pháp cho năm tới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu bế mạc hội nghị.

"Chính phủ cần tái cấu trúc hệ thống chính sách. Những quyết định đã ban hành rồi nhiều lúc rất thông thoáng nhưng cũng có còn rất sơ hở. Trong năm 2011, một người  trong cùng lúc thành lập tới 39 DN, tổng vốn đăng ký 5.397 tỷ  đồng nhưng thực chất ông ta không có nổi 10 tỷ đồng. Ông ta không làm TGĐ, không làm Chủ tịch HĐQT mà chỉ làm trong HĐQT nên đã lách được luật. Ta cứ nghĩ lập được rất nhiều DN, vốn liếng tiền của trong dân rất nhiều nhưng thực ra không có bao nhiêu. Đề  nghị trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, phải rà soát và tái cấu trúc hệ thống văn bản. Vừa qua chúng ta báo cả nước có hơn 600 nghìn DN tư nhân nhưng hoạt động thực tế chỉ có hơn 400 nghìn, mà chưa chắc đã hoạt động hết".

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân


Lê Nhung