- Mặc dù đã đưa ra những ưu đãi cụ thể với mục tiêu trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ  song dự thảo luật Khoa học Công nghệ sửa đổi vẫn bị "phê" là chưa có điểm gì mới thu hút.

Sáng nay, Thường vụ QH đã thảo luận về dự án luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi.

Chưa rõ cơ chế thu hút nhân tài

Dự thảo luật đưa ra một chương mới về phát huy vai trò của người làm khoa học, công nghệ và thu hút nhân tài.

Theo đó, dự thảo bổ sung cơ chế nhằm tháo gỡ rào cản để tạo chuyển biến mới trong phát triển nguồn nhân lực KH&CN quy định rõ hơn về chính sách trọng dụng và sử dụng nhà khoa học. Vinh danh, tạo điều kiện cho nhà khoa học làm việc, đặc biệt đối với nhà khoa học đầu ngành và nhà khoa học chủ trì các nhiệm vụ KH&CN quan trọng của quốc gia, nhà khoa học tài năng.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Sửa luật này có giúp thị trường khoa học công nghệ phát triển không?. Ảnh: LN
Vẫn đang có hai loại ý kiến về cơ chế trọng dụng, ưu đãi nhân tài. Ý kiến thứ nhất cho rằng các nhà khoa học tài năng sẽ được hưởng ưu đãi đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng nên quy định một số các ưu đãi cụ thể đồng thời giao Chính phủ quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận các nhà khoa học được hưởng các ưu đãi này. Lý do, quy định các ưu đãi đặc biệt ngay trong luật này làm cho luật có tính thực tế cao hơn, khuyến khích và thể hiện được quyết tâm mạnh mẽ của Nhà nước trong việc ưu đãi, trọng dụng người tài.

Về việc thu hút trí thức là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, chuyên gia quốc tế, dự thảo mới đã bổ sung những nội dung cụ thể như quy định ngoài việc được hưởng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ nói chung thì sẽ được hưởng thêm một số ưu đãi khác như được bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, được hưởng lương theo chế độ thuê chuyên gia và các ưu đãi khác...

Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, các quy định nói trên là những chính sách rất mới với mục tiêu tạo ra động lực cho đội ngũ làm khoa học công nghệ, phát triển nhân tài.

Tuy nhiên, những nội dung về thu hút, trọng đãi nhân tài chưa rõ và cũng không có điểm gì đặc biệt."Chẳng hạn các ưu đãi cụ thể là giao chủ trì các đề tài, rồi hỗ trợ nhà công vụ, kinh phí đào tạo... đều là những vấn đề không có điểm gì mới. Trong khi đó đã định ra những ưu đãi gì thì phải có điểm đặc biệt để thu hút được người tài", ông Lưu nói.

Phó Chủ tịch QH cũng cho rằng các quy định về trọng dụng trí thức người Việt ở nước ngoài vẫn có nhiều điểm trùng lặp với những điều khoản khác ngay trong dự luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến, luật không nên đưa ra quy định cụ thể về việc trọng dụng như thế nào mà mọi cơ chế ưu đãi cho người tài nên giao Chính phủ quy định.

Có nên tiếp tục chi 2% ngân sách?

Liên quan đến cơ chế tài chính cho người làm khoa học, dự thảo mới đã được chỉnh sửa theo hướng Nhà nước bảo đảm chi cho KH&CN từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển.

Để khắc phục điểm nghẽn chủ yếu hiện nay trong hoạt động khoa học công nghệ là cơ chế tài chính, dự thảo mới đã chỉnh sửa, quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ và cơ quan trong việc phân bổ và quản lý ngân sách. Trong dự thảo cũng có điều khoản riêng về việc áp dụng cơ chế đầu tư đặc biệt để thực hiện các dự án quy mô lớn phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc có tác động mạnh đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm quốc gia.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, không nên ấn định tỷ lệ cứng 2% bởi sẽ lại nảy sinh tình trạng nhà khoa học vắt óc nghĩ đề tài nhằm mục đích giải ngân cho hết.

"Không quốc gia nào lại quy định tỷ lệ cứng hàng năm 2% như chúng ta. Tôi cho rằng nên quy định tỷ lệ 2% trong một khoảng thời gian trung hạn 3 - 5 năm. Sẽ phải có chế tài để buộc các địa phương phải có mức chi tối thiểu", ông Hiển nói.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư có mặt tại phiên họp cũng tán thành ý kiến nói trên.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, "xin bảo lưu" tỷ lệ cứng 2% này bởi đây cũng là một khoản ngân sách tương đối khiêm tốn so với nhu cầu. Theo ông, sở dĩ có tình trạng giải ngân chưa hết là vướng luật ngân sách và luật hoạt động của Hội đồng nhân dân còn tỷ lệ như vậy so với mức đầu tư ngoài xã hội thì vẫn "không thấm vào đâu".

"Tất nhiên bộ ngành nào cũng muốn được bố trí ngân sách cố định. Nhưng thôi thì chỉ có hai lĩnh vực quốc sách hàng đầu thì nhà nước vẫn nên đầu tư với tỷ lệ từ 2% trở lên", Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Những vấn đề trên sẽ còn tiếp tục được thảo luận và chỉnh sửa trước khi Bộ Khoa học và Công nghệ trình dự án luật với Quốc hội vào kỳ họp tới.

Lê Nhung