“Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm”

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Đây cũng là chương trình được Đoàn Thanh niên nhiều tỉnh, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần đưa kinh tế địa phương có những bước khởi sắc trong giai đoạn mới.

Cách nay hơn 6 năm, năm 2013, chương trình “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt và triển khai đã đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn quốc. Xác định tầm quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản của địa phương, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Theo đó, để triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, Tỉnh Đoàn Quảng Ninh xác định 6 bước tuyên truyền cụ thể, từ tuyên truyền về lợi ích của cộng đồng khi tham gia chương trình OCOP; hướng dẫn đăng ký mẫu phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận và triển khai kế hoạch kinh doanh; đánh giá, phân hạng sản phẩm và xúc tiến thương mại.

{keywords}
Với những nỗ lực của tổ chức Đoàn trong triển khai chương trình OCOP, nhiều vùng nông thôn đã đổi thay theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị.

Với sự đóng góp của tuổi trẻ tỉnh Quảng Ninh, qua 6 năm triển khai, chương trình được Trung ương đánh giá cao và được lựa chọn làm điểm để nhân rộng ra toàn quốc. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có 167 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất và 421 sản phẩm tham gia chương trình OCOP; thực hiện dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho trên 90% các sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh có 32 trung tâm và điểm bán hàng OCOP; 29 sản phẩm có thế mạnh của đã tỉnh xây dựng được thương hiệu.

“Thanh niên Bắc Kạn khởi nghiệp từ Đề án OCOP”

Xác định tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, chương trình OCOP cũng được Tỉnh Đoàn Bắc Kạn lựa chọn là một trong những chương trình trọng tâm nhằm phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế, tạo việc làm cho thanh niên nông thôn. Các sản phẩm tạo ra từ chương trình có sự khác biệt mang đặc thù gắn với nét truyền thống, văn hóa, điều kiện tự nhiên riêng có của mỗi địa phương, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.

Tỉnh Đoàn Bắc Kạn đã quán triệt đến các Huyện, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc đưa nội dung chương trình OCOP vào các hội nghị giao ban công tác đoàn, các buổi sinh hoạt đoàn để động viên, khuyến khích đoàn viên, thanh niên tham gia khởi nghiệp từ các sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương mình.

Đặc biệt, Tỉnh Đoàn Bắc Kạn đã tổ chức 3 Diễn đàn “Thanh niên Bắc Kạn khởi nghiệp từ Đề án OCOP” cấp tỉnh với sự tham gia của các chuyên gia, lãnh đạo các sở ngành, đoàn thể trong tỉnh và trên 600 cán bộ Đoàn cấp huyện, cấp cơ sở và đoàn viên, thanh niên.

Tại các diễn đàn, đoàn viên, thanh niên được giới thiệu tổng quan về chương trình OCOP; thảo luận về vai trò của tổ chức Đoàn, cán bộ, đoàn viên thanh niên trong việc thực hiện, triển khai Đề án; tận dụng thế mạnh địa phương để khởi nghiệp, gắn với chương trình OCOP.

Bên cạnh việc giải đáp một số thắc của các bạn trẻ, chuyên gia, lãnh đạo các sở ngành đã trực tiếp tư vấn giúp đoàn viên, thanh niên có những lựa chọn sáng suốt trên con đường khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp từ OCOP.

Với những nỗ lực của tổ chức Đoàn trong triển khai chương trình OCOP, năm 2018, UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức đánh giá xếp hạng, cấp giấy công nhận cho 37 sản phẩm của 32 doanh nghiệp, hợp tác xã, và hộ sản xuất, trong đó có 6 sản phẩm của thanh niên.

Bài: Trần Văn Thường - nhóm PV
Ảnh: Trần Minh Thúy - nhóm PV