Theo kết quả điều tra chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn 57.214 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 48,14%) và 9.135 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 7,69%). Thống kê phân loại hộ nghèo của cơ quan chuyên môn, cho thấy, dân tộc Mông có số hộ nghèo cao nhất tỉnh (28.951 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 50,60% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh).

Tiếp đến là dân tộc Thái với 20.174 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 35,26% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; dân tộc Khơ Mú có 3.052 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,33% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; các dân tộc thiểu số khác có 2.754 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,81% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Ngay như đồng bào dân tộc Kinh vẫn được tiếng là năng động trong phát triển kinh tế, cũng có 868 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,52% tổng số hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.

{keywords}
Dân tộc Thái có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ nhì toàn tỉnh Điện Biên - Hình minh họa

Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới - (NTM) tỉnh Điện Biên cho hay: Tại thời điểm này, nói đến mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững không gì cụ thể hơn, rõ ràng hơn là Chương trình Nông thôn mới (NTM).

Theo ông Lò Văn Tiến, không chỉ thực hiện xây dựng xã NTM thông thường như các tỉnh khu vực đồng bằng, nội địa mà Điện Biên còn xây dựng NTM cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới với nhiều khó khăn đặc thù tại điểm xuất phát và cả trong quá trình triển khai. Thực hiện Quyết định số 1573/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án xây dựng NTM vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới, tỉnh Điện Biên có 29 xã biên giới thuộc bốn huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé, Điện Biên và Mường Chà. Nhờ được ưu tiên nguồn lực đầu tư, đến nay nhiều xã đã đạt chuẩn hoặc cơ bản đạt chuẩn NTM.

Công cuộc xóa đói giảm nghèo nói chung và giảm nghèo bền vững nói riêng được lòng dân đồng thuận, sức dân được phát huy, họ thực sự làm chủ làng bản quê hương mình, mọi việc đều được người dân vào cuộc, từ kế hoạch cho đến triển khai thực hiện. Mục tiêu của Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững không gì khác nhằm tạo ra những hệ giá trị mới cho nông thôn, bền vững về kinh tế - văn hóa - xã hội, cuộc sống cộng đồng thôn bản an toàn và hạnh phúc.

{keywords}
Mục tiêu của Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm tạo ra cuộc sống cộng đồng thôn bản an toàn và hạnh phúc - Hình minh họa

Người dân không chỉ thực hiện mà còn được bàn bạc, đóng góp công sức, tham gia kiểm tra, kiểm soát và cuối cùng chính họ là đối tượng thụ hưởng những gì mà Chương trình mang lại.

Đến thời điểm hết tháng 8/2019, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 37,08%. Cải cách hành chính tiếp tục đạt kết quả tốt, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; năm 2018 xếp hạng PCI của tỉnh tăng 1 bậc, xếp thứ 47/63 tỉnh, thành; lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường, mở rộng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của báo Nhân dân, nhìn chung công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Điện Biên vẫn còn không ít khó khăn, thách thức; nhiều nơi tỷ lệ nghèo ở mức cao, cá biệt trên dưới 60%; xu hướng rõ rệt tập trung ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, biên giới, vùng đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong số hơn 110 chính sách (chính xác là 118 chính sách) đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, không ít chính sách còn chồng chéo, phân tán, thiếu tính hệ thống, nhiều chính sách chưa tạo được sự khuyến khích người nghèo chủ động và hăng hái vươn lên thoát nghèo; cơ chế phối hợp, chỉ đạo, điều hành ở các cấp còn nhiều hạn chế; chưa phát huy được vai trò tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia các hoạt động giảm nghèo ở cơ sở; chưa khơi dậy được tiềm năng thế mạnh của địa phương, sự tham gia tích cực, sáng tạo của người dân, của cộng đồng cùng nhau vươn lên thoát nghèo và nhất là thoát nghèo một cách căn cơ, thực chất và bền vững.

Bài: Lê Thị Hạnh - Nhóm PV
Ảnh: Phạm Thu Huyền - Nhóm PV