Cùng với gắn kết thực hiện “Cánh đồng lớn”, Chi cục Phát triển nông thôn còn hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng hợp tác xã (HTX) kiểu mới. Từ đầu năm đến nay, đã hỗ trợ thành lập mới 5 HTX nông nghiệp tại các huyện: Tri Tôn (2 HTX), Châu Phú, Phú Tân và Châu Thành (1 HTX/huyện). Đồng thời, thí điểm triển khai hỗ trợ trí thức trẻ về đảm nhận các vị trí chủ chốt trong HTX, bước đầu cho thấy hiệu quả thiết thực.

{keywords}
Chương trình NTM: An Giang tập trung phát triển các ngành nghề nông thôn

Trong xây dựng “Cánh đồng lớn”, bên cạnh những vùng sản xuất ổn định lâu nay, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp địa phương đã tổ chức 2 cuộc gắn kết giữa Công ty TNHH lương thực Tấn Vương với các vùng nguyên liệu, gồm: HTX Nông nghiệp Vĩnh Thạnh (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú) ký hợp đồng sản xuất 200ha giống OM6976 vụ thu đông 2019; 3 HTX của huyện Chợ Mới (Phú Quới, Tân Quới và Thuận Quới) ký hợp đồng tiêu thụ vụ đông xuân 2019-2020 với 4 loại giống (Jasmine 85, Đài Thơm 8, OM6976 và OM5451). Ngoài ra, đơn vị đã tổ chức 10 lớp tập huấn về kỹ năng thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất tại các huyện: Châu Thành, Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, Chợ Mới và Phú Tân.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 63 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 1.830 lao động nông thôn. Đến hết năm 2019, dự kiến tổ chức được 183 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, với kinh phí 2,7 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch. Đồng thời, tổ chức đào tạo cho 43 lao động ở các doanh nghiệp nông thôn; đào tạo 1.107 lao động cho HTX, trang trại, lao động tham gia các dự án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đào tạo 680 người là đối tượng chính sách, an sinh xã hội.

Bên cạnh đào tạo nghề nông nghiệp, Chi cục Phát triển nông thôn còn phối hợp các địa phương duy trì và phát triển các làng nghề nông thôn. Hiện nay, toàn tỉnh có 29 làng nghề được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí “Làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh An Giang”, tập trung nhiều nhất ở huyện Chợ Mới. Các làng nghề góp phần giải quyết việc làm cho 5.056 hộ, với 13.747 lao động địa phương tham gia sản xuất. Thu nhập bình quân thấp nhất 900.000 đồng/lao động/tháng (làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên), cao nhất 4,5 triệu đồng/lao động/tháng (làng nghề mộc ở huyện Chợ Mới).

Song song với hỗ trợ phát triển các ngành nghề nông thôn, Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Đề án OCOP_AG) đang được triển khai tích cực. Đề án sẽ giúp hỗ trợ các sản phẩm đặc trưng của tỉnh xây dựng thương hiệu, uy tín, chất lượng, xúc tiến thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm cũng như thu nhập người dân nông thôn.

Bài: Đàm Xuân An - nhóm PV
Ảnh: Trương Thanh Tùng - nhóm PV