Anh Thảo phát hiện một vạt đất lớn nằm chênh vênh giữa lưng chừng đồi cháy đen bởi thuốc nổ. Thấy lạ, anh lấy con dao nhỏ khoét sâu vào thì phát hiện bên trong chứa nhiều hạt cát nhỏ li ti tuôn ra có màu vàng óng ánh...

Theo lời kể của anh Đào Minh Thảo (một trong những người trúng số vàng trên), thì vào một buổi sáng cuối năm 2011, cơ quan chức năng huyện Sông Hinh tiến hành nổ mìn để đánh sập các mỏ khai thác vàng trái phép ở vùng núi Hòn O thuộc xã Đức Bình Tây.

Đang giữa mùa nông nhàn, anh Thảo cùng một người bạn tên Đỗ Phú (35 tuổi, ở Ninh Thuận) đèo nhau trên chiếc xe gắn máy đi dạo chơi chạy ngang qua chỗ bãi vàng đang bị đánh sập nên ghé vào xem thử.

Ngôi nhà anh Tiện vừa mới tu sửa.

Khi đến nơi, ngoài đống đất đá ngổn ngang, anh phát hiện một vạt đất lớn (dân đào vàng gọi là "ụt") nằm chênh vênh giữa lưng chừng đồi cháy đen bởi thuốc nổ. Thấy lạ, anh liền lấy con dao nhỏ khoét sâu vào thì phát hiện bên trong chứa nhiều hạt cát nhỏ li ti tuôn ra có màu vàng óng ánh.

Kinh nghiệm làm vàng lâu năm, nghi là đá chứa vàng, cả hai biết không thể nuốt trôi số đá vàng trên giữa ban ngày nên anh Thảo và bạn bàn nhau lấy lá, cây rừng phủ lên làm dấu.

Để cho chắc ăn, anh Phú ở lại canh giữ còn anh lặng lẽ về nhà rủ thêm Nguyễn Văn Chanh (27 tuổi) và Nguyễn Văn Tiện (35 tuổi), cùng trú thôn An Hòa (xã Đức Bình Tây) tham gia.

Khi màn đêm buông xuống, vắng vẻ, cả 4 người âm thầm chuẩn bị bao tải, xà beng, cuốc, xẻng, bình điện ắc quy, bí mật luồn rừng, trở lại khu vực trên. Đến nơi, 4 người dùng xẻng chia nhỏ khối đất trên rồi hốt, xúc khối lượng đá bỏ vào bao tải.

Tuy nhiên do khối lượng đất quá lớn nên qua đêm hôm sau, mới hốt hết (tổng cộng 35 bao đá), đem về nhà tiến hành xay đãi, lọc. Sau hai ngày khổ nhọc, cả nhóm thu được gần 37 lượng vàng. Sau đó, đem ra một tiệm vàng ở đầu xã bán được gần 1 tỉ đồng. Chia đều ra bốn phần, mỗi người được gần 300 triệu đồng rồi nhóm của anh Thảo bàn bạc cùng nhau gửi tất cả số tiền chia được vào ngân hàng.

Để tìm hiểu thêm thông tin, sáng 12.1.2012, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Chanh và Nguyễn Văn Tiện thì được người thân hai anh này cho biết: cả hai đã đi rẫy từ hơn 3 ngày nay đến cuối tuần mới về.

Anh Lê Văn Hòa (40 tuổi), một người quen của anh Chanh và anh Tiện cho biết: từ sau khi thông tin mấy đứa nó trúng vàng tương đầy trên mặt báo, đi đâu chúng nó cũng nhìn trước ngó sau, đề phòng bị kẻ gian hãm hại. Giờ tìm hai thằng nó cũng không gặp được đâu".

Hỏi thăm về anh Đỗ Phú thì được biết ngay sau khi được chia tiền, anh đã lên xe về TP Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận đồng thời thay số điện thoại liên lạc. Tìm đến nhà anh Đào Minh Thảo, chúng tôi càng thất vọng hơn khi biết anh cũng vắng nhà. Không chịu thất bại, chúng tôi đã hỏi thăm, tiếp tục luồn rừng, lội bộ hơn 2 cây số vào tận rẫy để gặp các anh.

Vừa thấy chúng tôi từ xa, hai anh Chanh, Tiện cho người bạn đi về phía chúng tôi, xua tay ra hiệu không tiếp. Chúng tôi liền nói chúng tôi là nông dân làm mía tới đây hỏi các anh có bán mía giống? Hồi lâu thuyết phục, lại biết chắc chúng tôi không phải lực lượng chức năng hay là nhà báo, hai anh mới miễn cưỡng tiến ra tiếp chuyện.

Anh Tiện kể: "Tôi nghĩ các anh là nhà báo chứ, vì sợ lên mặt báo nói trúng số vàng lớn, lúc đó ra ngoài đường bị các thanh niên chặn hỏi xin tiền sợ lắm, cách đây mấy hôm có một nhóm thanh niên chặn hỏi xin tiền, tôi liền đáp các anh nhầm người rồi, sau đó tôi đưa 100.000 đồng, bọn chúng mới cho đi".

Còn anh Nguyễn Văn Chanh cho biết: "Từ khi trúng lộc đến nay, mấy anh em tôi ăn ngủ không yên nên phải khóa máy, bỏ nhà đi làm vì sợ bị làm phiền". Còn nhớ, khi được tin trúng vàng, một số đối tượng khả nghi nhanh chóng xuất hiện, lảng vảng quanh nhà các anh làm mọi người trong gia đình lo lắng.

Được biết, khi lên 15 tuổi mẹ anh lâm bệnh nặng và qua đời, bố nuôi anh và các em được một thời gian rồi đi cưới vợ khác.

Năm 2009 anh lập gia đình mà trong tay không có bất cứ tài sản nào đáng giá ngoài căn nhà dột nát và 3 sào đất được gia đình chia cho. Cuộc sống khó khăn nay càng khó khăn hơn khi một năm sau vợ anh sinh đôi hai đứa con trai, kinh tế gia đình càng thêm chật vật.

Vì quá túng thiếu không có tiền nuôi một lúc hai con nên vợ chồng anh phải bán 3 sào đất đồng thời bôn ba khắp nơi để làm thuê cuốc mướn. Do đó khi có trong tay gần 300 triệu đồng anh lập tức đầu tư mua sắm một chiếc máy cày gần 250 triệu đồng, đồng thời tính đường mua lại 3 sào đất. "Mình là nông dân gốc rạ, sống chết vẫn cứ bám lấy nghề. Tôi mua máy cày để mở dịch vụ cày đất, hy vọng cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn".

Trong khi đó, hoàn cảnh anh Đào Minh Thảo cũng chẳng khấm khá hơn. Anh Thảo lập gia đình vào năm 2006 và có một đứa con gái. Nhà nghèo, cuộc sống gia đình gặp khó khăn. Ban đầu chả biết làm gì, nghề thì không có, mà cũng chẳng có ruộng để mà làm.

Vào giữa năm 2009 được sự giới thiệu của một người bạn lên thị trấn Hai Riêng huyện Sông Hinh làm thuê, làm mướn kiếm sống nuôi gia đình nhưng thu nhập hàng tháng bấp bênh thiếu trước, hụt sau. Sau đó tai nạn ập đến với anh.

Đó là một ngày đen tối mà dường như anh đã cố quên từ lâu. Gặng hỏi mãi anh mới chịu kể lại câu chuyện một cách rời rạc, run rẩy: Trời chập tối được tin con gái bị bệnh nặng, anh liền về nhà với chiếc xe máy cũ nát, không đèn chiếu sáng, trên đường đi anh đã bị xe tải tông chấn thương sọ não phải đi chữa trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM.

Sau đó không biết gì, vài tuần sau tỉnh dậy thì thấy chân tay mình băng bó trắng xóa và điều trị hơn 2 tháng với số tiền trả viện phí lên đến vài chục triệu đồng khiến gia đình khánh kiệt. Để có đủ tiền chữa trị, trang trải cuộc sống những ngày tiếp theo, vợ anh phải chạy vạy khắp nơi vay mượn nên vợ chồng anh "nợ như chúa chổm".

Do không có tiền để đóng viện phí nên anh xin phép về nhà, sau vụ tai nạn đó anh luôn lên cơn đau đầu mỗi khi mùa mưa đến. Khi chưa biết tính làm sao để có tiền trả nợ và mua sắm tết thì bất ngờ "lộc trời" trao tay.

Còn về trường hợp anh Đỗ Phú, anh Thảo cho biết trước khi đi Phú nói sẽ dùng số tiền trên về chữa bệnh cho người thân trong gia đình rồi dành dụm một ít đầu tư vào nghề nào đó làm kế sinh nhai.

Trong số 4 người nhặt được vàng, hoàn cảnh anh Nguyễn Văn Tiện là khó khăn nhất. Năm anh lên 9 tuổi, bố mẹ lần lượt qua đời, anh phải bỏ học đi làm để phụ giúp anh chị có được "ngày ba bữa". Năm 25 tuổi, khi có trong tay gần 1 triệu đồng, anh Tiện mới dám lập gia đình.

Sau một thời gian dành dụm, vợ chồng anh mới dám vay Hội nông dân xã Đức Bình Tây được 20 triệu đồng để xây nhà rộng khoảng 15 m2. Đến năm 2009, vợ anh do lao lực quá sức nên thường xuyên đổ bệnh, lại phải tốn một mớ tiền thuốc thang. Do đó số tiền 300 triệu đồng mà anh có được là vô cùng to lớn.

"Lâu nay số tiền lớn nhất mình được cầm trong tay chính là số tiền 20 triệu đồng mà mượn từ Hội nông dân. Do đó khi nhìn thấy số tiền 300 triệu đồng, mình thẫn thờ hồi lâu mới dám cầm lên…" - anh Tiện bồi hồi nhớ lại.

Có tiền anh đã thanh toán nợ nần, mua thuốc cho vợ (khoảng trên 60 triệu), cất thêm gian nhà bếp (50 triệu), mua một xe máy 25 triệu đồng, phần còn lại anh gửi ngân hàng để nuôi con cái ăn học thành người không giống như bố nó, quanh năm chỉ biết đồng ruộng.

Từ khi tin nhóm người trong xã trúng gần 37 lượng vàng lan ra, có rất nhiều người bỏ việc cày cuốc đồng ruộng, bất chấp hiểm nguy tìm đến khu vực Hòn O mà lao vào đào bới vàng làm ngọn núi lật tung lên.

Từ đó, địa phương cử lực lượng công an, xã đội (mỗi ngày 2 người) tiến hành chốt chặn, kiểm soát từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều hàng ngày tại khu vực núi Hòn O. Đồng thời chỉ đạo chính quyền, các ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không ra vào khu vực này.

Theo ông Dương Gia Minh, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Đức Bình Tây, hiện nay tình trạng đào, đãi vàng trái phép tại Hòn O đã cơ bản chấm dứt và được chính quyền đến từng hộ tuyên truyền người dân không được vào vùng núi Hòn O để tìm vàng nữa bởi điều này hoàn toàn trái quy định pháp luật.

(Theo Công an Nhân dân)