- “Để giúp nền kinh tế không bị tổn thất quá nhiều thì quan trọng là giải quyết nợ xấu, nợ quá hạn. Đây là nhiệm vụ sống còn để dòng vốn trong nền kinh tế lưu thông trở lại, giúp cho mặt bằng lãi suất cho vay giảm xuống”, các chuyên gia tài chính đề xuất trong bản báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 với chủ đề “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu”.


Báo cáo được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do UB Kinh tế Quốc hội chủ trì, với sự tài trợ của Chương trình Phát triển LHQ tại VN (UNDP).

Khi phân tích các bất ổn tài chính, nhóm chuyên gia đã chỉ rõ những hiện tượng nổi bật trong chính sách tiền tệ năm 2011, hệ lụy cho năm 2012 và đề xuất giải pháp.

Lập quỹ tái cấu trúc ngân hàng?

Trong 5 khuyến nghị cho 2012, nhóm chuyên gia đặc biệt lưu ý vấn đề nợ xấu. Xem nhiệm vụ và cũng là thách thức hàng đầu của năm nay là giải quyết nợ xấu, nợ quá hạn để ổn định thanh khoản hệ thống ngân hàng. Để giúp nền kinh tế không bị tổn thất quá nhiều thì điều quan trọng là ưu tiên tập trung giải quyết nợ xấu, nợ quá hạn. Đây là nhiệm vụ sống còn để dòng vốn trong nền kinh tế lưu thông trở lại, giúp cho mặt bằng lãi suất cho vay giảm xuống.

Giải quyết nợ xấu là nhiệm vụ sống còn để dòng vốn trong nền kinh tế lưu thông trở lại, giúp cho mặt bằng lãi suất cho vay giảm xuống. Ảnh minh họa: Bình Minh

Báo cáo nêu rõ, Việt Nam cần có một dòng vốn sạch tương đối lớn từ bên ngoài bơm vào, ước tính lên đến 250-300 nghìn tỉ (tương ứng với tỉ lệ nợ xấu, nợ quá hạn khoảng 10-12% tổng dư nợ). Dòng vốn này có thể đến từ nước ngoài hoặc từ ngân sách nhà nước.

Giải pháp là Chính phủ có thể lập thêm công ty mua bán nợ. Có thể phát hành một loại trái phiếu đặc biệt với thời hạn 3-5 năm để huy động tiền dư thừa từ các ngân hàng thương mại. Để nguồn trái phiếu này không ảnh hưởng đến thâm hụt ngân sách thì việc trả nợ cho loại trái phiếu này có thể trích từ việc cắt giảm các khoản chi của ngân sách nhà nước, đặc biệt chi thường xuyên. Nhóm chuyên gia tính toán, nếu giảm tỉ lệ chi thường xuyên (hiện nay 20-21% GDP) xuống thấp hơn, thì ngân sách sẽ dôi ra được khoảng 70 nghìn tỉ đồng, đóng góp một khoản lớn vào quỹ mua bán nợ xấu.

“Nên hình thành một quỹ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được đảm bảo từ nguồn vốn tiết kiệm chi thường xuyên của Chính phủ hoặc từ vay các quỹ tài chính mà Việt Nam tham gia”, bản báo cáo ghi rõ.

Ngoài ra, Chính phủ nên tạo điều kiện cho các DN nước ngoài tham gia lập DN mua bán nợ. “Nếu không huy động được nguồn vốn từ nước ngoài vào việc xử lý nợ xấu thì quá trình này sẽ kéo dài, khiến mặt bằng lãi suất khó hạ. Nền kinh tế bị đình đốn kéo dài càng khiến cho số nợ xấu tăng mạnh”, nhóm chuyên gia phân tích.

Cơ sở cho các khuyến nghị trên là những phân tích chi tiết về tình trạng “báo động” của nợ xấu, nợ quá hạn trong năm 2011. Theo đó, tỉ lệ nợ ở hầu hết các ngân hàng đều tăng mạnh xong tỉ lệ trích lập dự phòng lại giảm đi. Nợ xấu và nợ quá hạn của nhóm công ty tài chính và cho thuê tài chính được đánh giá là ở mức độ “nghiêm trọng”.

Một cá nhân, một DN có thể gây ảnh hưởng lớn


Cũng theo các chuyên gia, tình trạng nợ xấu và hàng loạt bất ổn tài chính khác bắt nguồn từ những nguyên nhân căn cốt. Mà sâu xa hơn cả chính là xuất phát từ mô hình tăng trưởng dựa quá nhiều vào vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư công và khu vực DNNN.

Theo TS Đinh Tuấn Minh, một trong những người thực hiện báo cáo, trong lúc nhu cầu đầu tư lớn song kém hiệu quả mà việc tiết kiệm lại có xu hướng giảm nên bắt buộc phải dựa vào chính sách nới lỏng tiền tệ, dẫn đến lạm phát. Việc bơm tiền dễ dãi vào nền kinh tế cũng khiến cơ cấu nguồn vốn bị mất cân đối, DN đầu tư dàn trải…

Một nguyên nhân khác gây bất ổn là chính sách cho phép chuyển đổi các ngân hàng nông thôn thành ngân hàng thành thị và ép các ngân hàng này phải nhanh chóng tăng vốn điều lệ lên gấp hàng chục lần trong vỏn vẹn dăm ba năm. Chính sự tăng vốn ồn ạt trong khi năng lực quản trị còn yếu đã khiến các ngân hàng trở thành sân sau của các tập đoàn. Vốn bị đẩy một cách thiếu kiểm soát vào các dự án của các doanh nghiệp này. Nợ xấu, nợ quá hạn là điều khó tránh khỏi khi chính sách tiền tệ đột ngột bị thắt chặt.

Cùng với việc ráo riết xử lý nợ xấu, báo cáo của UB Kinh tế cho rằng, cần ưu tiên tiếp tục kiềm chế lạm phát, đảm bảo chắc chắn CPI sẽ về một con số ngay năm nay. “Cuộc chiến chống lạm phát phải kiên định vì kinh nghiệm của năm 2009 đã cho thấy, một khi cung tiền dễ dãi trở lại, lạm phát lại bùng phát, khiến cho chi phí kiểm soát nó sau đó tốn kém hơn nhiều”, báo cáo viết.

Về trung hạn, để DN có thể tiếp cận với nguồn vốn rẻ mà không gây ra lạm phát thì phải tiến hành thành công tái cấu trúc DNNN và đầu tư công. Đặc biệt, cần xây dựng một thị trường vàng hiện đại. Ngoài việc quản lý vàng miếng tập trung trong tay Ngân hàng Nhà nước, cần tiến tới xây dựng chứng chỉ vàng và sàn vàng quốc gia một cách chuyên nghiệp.

Cũng theo UB Kinh tế Quốc hội, một vấn đề quan trọng của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là câu chuyện sở hữu chéo. Dù Chính phủ đã đưa ra quy định hạn chế tỉ lệ sở hữu giữa các ngân hàng với nhau cũng như yêu cầu các tập đoàn nhà nước thoái vốn khỏi các tổ chức tài chính, tín dụng nhưng dường như Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa đụng chạm gì nhiều đến mối quan hệ giữa các ngân hàng và doanh nghiệp tư nhân.

Theo đó, một cá nhân hoặc một doanh nghiệp có thể tác động ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tín dụng tại các ngân hàng thông qua các công ty con, công ty cháu. Việc khống chế tỉ lệ sở hữu tại các tổ chức tài chính tín dụng bởi cá nhân cũng như DN rất cần phải tính đến cả những sở hữu gián tiếp như vậy.

Lê Nhung