- Người dân thôn Phụ Chính có đủ cơ sở pháp lý để khẳng định họ được quyền quyết định số phận hai "cụ sưa", nhưng suốt nhiều năm vụ việc vẫn gây tranh cãi bởi những quyết định khó hiểu từ phía các cơ quan chức năng, đặc biệt là UBND TP Hà Nội. Năm năm trời ròng rã đi đòi công lý quả là quãng thời gian lắm nỗi đoạn trường của người làng Phụ Chính. Cũng chừng ấy thời gian làng không có lấy một ngày yên.


5 năm. Cuộc hành trình từ làng Phụ Chính đến nhà kho tạm giữ của 2,5m3 gỗ sưa và số tiền 20,5 tỷ đồng bị phong tỏa của làng Phụ Chính ẩn chứa rất nhiều điều kỳ lạ. 

Ánh mắt dò xét xung quanh của ông Vũ Viết Binh đã trở thành thói quen kể từ ngày làng Phụ Chính trở thành tâm điểm của vụbuôn bán gỗ sưa 20,5 tỷ đồng. 

Từ một nơi cất giấu bí mật trong nhà văn hóa thôn, những bậc trưởng lão làng Phụ Chính lôi hàng đống văn bản của các cơ quan chức năng liên quan đến hai cây sưa trước cổng đền Đức Thánh Nhì và cả 2,5m3 gỗ sưa đã đem bán. 

Mấy năm trời thu thập, đống văn bản dày có khi đến cả một gang tay, nhưng hiệu quả đến nay vẫn là con số không tròn trĩnh. Có lẽ vì thế mà những người như ông Binh nói chuyện về nó với một vẻ chán chường lộ rõ trên từng khuôn mặt. 

{keywords}
Vết cắt của cành sưa giá 20,5 tỷ đồng

Người làng Phụ Chính khá cẩn thận. Trước khi bán một phần cây sưa cổ trước đền Đức Thánh Nhì, những người hiểu biết nhất trong làng được triệu tập và cử đi tìm hiểu các văn bản liên quan để việc buôn bán được thuận buồm xuôi gió, cơ bản là đúng pháp luật. 

Văn bản đầu tiên mà các hương thân phụ lão làng Phụ Chính lập cập đi tìm là Thông tư 3419 ngày 12/12/2007 của Bộ NN-PTNT về việc khai thác, vận chuyển cất giữ gỗ rừng trồng nhóm 1A. 

Hết viết thư, lại đi dò hỏi, cuối cùng Bộ NN-PTNT cũng có câu trả lời rõ ràng về hai cây sưa cổ: “Trường hợp tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư cây trồng trong vườn, trồng phân tán thì chủ lâm sản tự quyết định việc khai thác. Cây do dân trồng, chăm sóc thì dân được quyền khai thác, sử dụng và do cộng đồng dân cư quyết định".

Cái ngày Phụ Chính nhận được phúc đáp từ phía Bộ NN-PTNT, làng vui như có hội. Những nghi ngại về việc cộng đồng dân cư tổ chức bán gỗ sưa để lấy tiền xây dựng đền chùa và một số công trình phúc lợi được xóa bỏ. 

Niềm tin càng thêm vững chãi khi UBND xã Hòa Chính cũng trực tiếp xác nhận nguồn gốc lâm sản, được khai thác tận thu từ cây trồng phân tán theo văn bản của Bộ NN-PTNT. Và khi Hạt Kiểm lâm huyện Chương Mỹ tổ chức “đóng búa”, xác nhận tính hợp pháp của số gỗ sưa được khai thác từ cây do cộng đồng thôn quản lý thì trẻ già Phụ Chính có nằm mơ cũng không nghĩ đến chuyện số phận “báu vật của làng” lại long đong đến vậy. 

5 năm. Một câu hỏi lớn tưởng chừng như vẫn cứ treo lơ lửng ở cổng làng Phụ Chính, ở đền Đức Thánh Nhì và trên đầu già trẻ trong làng rằng: Vì sao 2,5m3 gỗ sưa bị bắt? Vì sao 20,5 tỷ đồng bị phong tỏa? Báo chí vào cuộc, giới luật sư lên tiếng, các cơ quan tiếp dân trả lời,… nhưng chưa bao giờ người làng Phụ Chính cảm thấy thỏa đáng.

Nhiều người đã nói, hiếm có một vụ việc nào ẩn chứa nhiều điều khó hiểu như “kỳ án” 2,5m3 gỗ sưa làng Phụ Chính. Điều khó hiểu có lẽ đến từ những văn bản của hai cơ quan là Công an TP Hà Nội và UBND TP Hà Nội.

Được biết, để có cơ sở pháp lý xử lý 2,5m3 gỗ sưa mà CA huyện Chương Mỹ tạm giữ, ngày 5/5/2011, CA TP Hà Nội đã có văn bản gửi Tổng cục Lâm nghiệp xin ý kiến về việc xác định nguồn gỗ số gỗ sưa trên và Tổng cục Lâm nghiệp cũng có câu trả lời rất rõ ràng: “Hai cây gỗ sưa trong khuôn viên Chùa thôn Phụ Chính là cây trồng phân tán, do cộng đồng thôn Phụ Chính quản lý, chăm sóc bảo vệ thì việc khai thác, sử dụng gỗ sưa do cộng đồng thôn này tự quyết định, báo cáo UBND xã Hòa Chính kiểm tra”. 

Sau một thời gian khá dài “điều tra”, phải ngày 3/10/2014, khi Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) có văn bản phúc đáp công văn của UBNDTP Hà Nội về việc mua bán, vận chuyển số gỗ sưa ở thôn Phụ Chính thì Công an TP Hà Nội quyết định không khởi tố vụ án. 

Mặt khác, việc các cơ quan kết luận “chưa có cá nhân nào được hưởng lợi từ số tiền mua, bán 2,5m3 gỗ sưa” nên Cơ quan CSĐT đã phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự sau 3 năm điều tra. Vụ việc cũng được xác định là không có dấu hiệu vi phạm hành chính.

Ông Vũ Văn Xuyện, Hội người cao tuổi thôn Phụ Chính than trách: Chúng tôi đi hỏi khắp các cơ quan từ trung ương đến địa phương nhưng mãi mấy năm trời vẫn không đâu vào đâu cả. Kể cả UBND TP Hà Nội, khi họ nói thế này khi nói thế kia. Các cơ quan cứ việc đá qua đá lại, chỉ có người dân chúng tôi là khổ thôi.

Ông Xuyện nói đúng. Bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND TP Hà Nội từng có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh về vụ việc thôn Phụ Chính bán 2,5m3 gỗ sưa là “rõ ràng, đúng pháp luật”.

Có lẽ, ông Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội căn cứ vào văn bản trả lời của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Bộ Tư pháp và Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) rằng: 2 cây gỗ sưa trong khuôn viên Chùa Phụ Chính là cây trồng phân tán, do cộng đồng thôn Phụ Chính quản lý, chăm sóc, bảo vệ, việc khai thác, sử dụng gỗ sưa do cộng đồng thôn Phụ Chính tự quyết định, báo cáo UBND xã Hòa Chính kiểm tra, xác nhận.

Về cơ bản, thủ tục thông qua việc khai thác tại thôn, thủ tục kiểm tra, xác nhận của UBND xã, thủ tục xác nhận của cơ quan kiểm lâm và thủ tục mua bán, vận chuyển số gỗ sưa, cành cây sưa từ 2 cây sưa trong khuôn viên Chùa Phụ Chính là đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Lẽ thường, với những văn bản trả lời từ phía các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nguồn gốc 2,5m3 gỗ sưa là quá đủ để trả lại công lý cho người dân thôn Phụ Chính. Nhưng không, toàn bộ số gỗ vẫn đang bị "tạm giữ". 20,5 tỷ đồng vẫn bị phong tỏa. Người làng Phụ Chính vẫn phải chịu tiếng oan. Nhất là khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo Công an TP bàn giao số gỗ sưa trên cho UBND huyện Chương Mỹ để bán đấu giá theo quy định của pháp luật.

Số tiền bán đấu giá thu được nộp ngân sách của huyện. UBND thành phố đồng ý phân bổ số tiền thu được từ việc đấu giá số gỗ sưa nói trên giao cho xã Hòa Chính để đầu tư các công trình phục vụ lợi ích công cộng của thôn Phụ Chính.

Chúng tôi xin mượn trích dẫn văn bản trả lời của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Bộ Tư pháp gửi UBND TP Hà Nội để thay cho câu hỏi đeo đẳng người dân Phụ Chính suốt bao năm nay: “Vụ khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ sưa trên không có đầy đủ dấu hiệu vi phạm pháp luật hành chính do không xác định được hành vi vi phạm hành chính với đầy đủ các yêu tố cấu thành như: Hành vi khách quan, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm, lỗi, văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và điều khoản cụ thể của văn bản quy phạm pháp luật đó có quy định hành vi vi phạm hành chính phù hợp với các yếu tố nêu trên để áp dụng đối với hành vi cụ thể của vụ việc”. 

Không hiểu, UBND TP Hà Nội căn cứ vào đâu để đưa ra những quyết định khó hiểu trên?

Hoàng Sang