- Người dân Hải Phòng không còn được nghe tiếng vĩ cầm của người nghệ sỹ nghèo, bất hạnh Đỗ Bá Lý. 

Xem clip ông Đỗ Bá Lý kéo đàn trên đường phố:

Ông đã từ giã sân khấu phố phường để lặng lẽ nằm lại một mình ở nhà tang lễ Hải Quân sau vụ tai nạn thảm khốc hôm thứ 6. Tiếng vĩ cầm của Hải Phòng đã tắt.

Hy sinh hết mình vì nghĩa phu thê

Ông Đỗ Bá Lý, sinh năm 1935, người ngõ Lý Thiêm, TP Hải Phòng. Ông sinh ra trong một gia đình có 4 anh em nhưng trong một trận bom, 3 người tử nạn, duy nhất còn ông may mắn sống sót. 

Ngõ Lý Thiêm vào những năm thiếu thời của ông là con phố của nhiều gia đình có điều kiện kinh tế sinh sống. Thưở nhỏ, ông được gia đình cho học nhiều nhạc cụ. Có lẽ vì vậy mà cho đến lúc bước sang tuổi 80, ông Lý vẫn có được phong thái nhẹ nhàng của một trí thức, con nhà khá giả chứ không có bóng của một người lao động gian truân mặc dù việc của ông suốt ngày phải bươn chải tại các ngã tư đường phố. 

Ông Lý có 3 người con với người vợ đầu. Nhưng số phận bất hạnh, vợ ông mất sớm. Các con của ông sau đó, người bị bạo bệnh, người phải tha phương cầu thực tận Tây Nguyên. 

Ông sống một mình cho đến khi gặp bà Lý Thị Hải, kém ông gần 20 tuổi, một người phụ nữ góa chồng bán rau ở chợ Cột Đèn vào năm 1979. Hai phận người bất hạnh về sống kiếp phu thê nghèo với nhau chưa được bao lâu thì ông Lý lâm bệnh. 

Ông bị xuất huyết dạ dày rồi đau lưng, có thời gian tưởng như liệt giường. Bà Hải thương chồng một mình tần tảo chạy chợ chữa trị cho bệnh tật cho chồng. Một ngày năm 2013, bà bị tai nạn giao thông. 

{keywords}
Ông Lý và vợ tại phòng trọ 
{keywords}

{keywords}

Bác sỹ thông báo bà bị sẽ bị liệt hai chân vĩnh viễn nếu không phẫu thuật. Ông Lý đã tự vực dậy để báo đáp người vợ tào khang của mình. Ông kể: "Nghĩ thương bà, tôi đã phải bò dậy ra chợ mua một cây sáo có vài nghìn đồng rồi ra chợ Tam Bạc ngồi thổi. May là hồi xưa bố mẹ đã cho tôi học nhạc nên lúc đó có cái mà kiếm ăn, không phải biến mình thành kẻ ăn mày”. 

Ngày đầu tiên mang sáo ra chợ, ông đã không dám ngồi ra chỗ đông người mà chọn cho mình một góc khuất lặng lẽ, nhắm mắt đưa thanh. Ban đầu người đi qua nghĩ ông ra đây thổi chơi nhưng khi thấy ông ngồi thổi từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều họ mới ghé xuống biếu ông đôi nghìn tiền lẻ. Ông được dăm chục, thế là đủ rau cháo cho bà. 

Trong lòng ông nuôi quyết tâm sẽ thổi sáo thật hay, ra chợ cần mẫn để một ngày có cơ may chữa được chân cho bà. Đến tối, ông Lý trở về căn nhà trọ chừng 15 mét vuông để cơm nước cho vợ. Rồi tắm giặt cho bà. 

Những lúc trở trời, chân bà đau nhức, ông cũng là người trắng đêm xoa bóp, động viên bà. Trong phòng trọ tại một con hẻm nhỏ trên đường Đại Học Hải Phòng, thuộc phường Dư Hàng Kênh, hai mái đầu bạc dựa vào nhau vượt qua những ngày đói khó. Những hàng xóm sống gần ông bà cũng đem lòng mến phục, thương yêu lâu dần họ cũng qua giúp đỡ. 

Người ống gạo, mớ rau hay có khi chỉ là chút lộc đi chùa về cũng khiến lòng người già như ông Lý ấm lại. 

Nghệ sỹ đường phố, tiếng vĩ cầm của nhân dân

Sau dần, có người bạn nghệ sỹ cùng đoàn kịch Hải Dương năm xưa cùng công tác với ông biết chuyện đã biếu ông cây vĩ cầm cũ. 

Ông Lý đã thôi thổi sáo, ông mang cây vĩ cầm đó ra phố thị Hải Phòng chơi say sưa như một người nghệ sỹ. Chiếc đàn nhỏ trên vai gầy, đôi mắt khép hờ để lộ vầng trán thông minh và khuôn mặt hiền lành, gầy guộc, ông ngồi đó - nơi phố xá tấp nập khiến cho người người đi qua phải se sắt lòng.

{keywords}

Ông Lý cùng cây vĩ cầm trên phố thị Hải Phòng

Dù là đông giá buốt hay hè nắng chói chang, ngày mưa như ngày ráo, ông Đỗ Bá Lý vẫn miệt mài chơi vĩ cầm trên phố đông. Khi thì ngã tư Trần Nguyên Hãn - Nguyễn Đức Cảnh, lúc thì bờ sông Tam Bạc, có khi là dải vườn hoa trung tâm thành phố và thời gian gần đây ông chọn tuyến đường Lê Hồng Phong - tuyến đường đẹp nhất của TP Hải Phòng để kéo đàn vĩ cầm. 

Tiếng đàn của ông có lúc là âm thanh tươi vui của cuộc sống ngợi ca quê hương, tuổi trẻ. Nhưng cũng có những ngày mưa gió, ông căng hờ chiếc ô trắng lên chỗ ngồi đủ để che bờ vai gầy rồi chơi say sưa những bản nhạc buồn da diết. Vài chục giây đèn đỏ dừng lại nhưng người dân đi qua có lúc đã phải rơi nước mắt. Những đồng tiền lẻ được vuốt phẳng phiu hai tay đặt xuống chiếc hộp đàn mở sẵn, người nghe đàn của ông ai ai cũng trân trọng.

{keywords}
Ông Lý dạy đàn cho các em nhỏ đất Cảng
{keywords}

Một cô gái đi qua và ngồi lại bên vỉa hè say sưa nghe ông đàn

Vượt lên một sự bố thí cho kẻ hành khất, người dân Hải Phòng nghe đàn của ông mà cho tiền là để cảm ơn, để tri ân. Họ thân thương gọi ông Lý là nghệ sỹ trong lòng dân, nghệ sỹ đường phố. Ông Lý khi còn sống đã từng tâm sự rằng: "Tôi không nghĩ đến tuổi này mình còn làm được điều đó. Bởi lẽ hàng ngày lê bước hàng chục cây số, hành trang đồ nghề trên vai nặng hơn 10kg. Hơn nữa tuổi già, chân tay cứng hết, không còn đủ linh hoạt để chơi cây đàn 'quý tộc'này. 

Nhưng lại muốn mình nghèo nhưng không được đi ăn xin mà phải lao động để kiếm sống. Hai vợ chồng già không thể nhìn nhau mà chết. Đi dần thành quen. Bây giờ tôi thấy chân tay như khỏe ra. Cả cuộc đời tôi chưa có một ngày hưởng trọn niềm vui, đã quen cái cảnh được bữa sớm lo bữa tối. 

Trời cho tôi sức khỏe, tôi vẫn làm được, vẫn có thể mang tiếng đàn làm vui lòng người. Thế là mãn nguyện rồi, già rồi không được lên sân khấu biểu diễn, tôi lại được diễn chính trên sân khấu bao la của thành phố này. Người nghệ sỹ yêu đàn thì chơi ở đâu cũng được, miễn là có người còn muốn nghe”. 

{keywords}


{keywords}

Ông Lý chơi đàn trong một đêm giao thừa tại trung tâm TP Hải Phòng

Nhiều năm nay, người dân Hải Phòng đã quen với hình ảnh của ông Lý tóc râu bạc phơ, ngồi lặng lẽ bên ngã tư, bên hè phố kéo đàn vĩ cầm say sưa da diết. Bất luận ngày hay đêm, chỉ với một cây vĩ cầm cũ, ông thổi vào không gian của phố trong tiếng còi xe ồn ào những âm thanh rất riêng của lòng mình. Trong đêm giao thừa của Phố Cảng, hàng ngàn người dân Hải Phòng đổ về khu bờ hồ Tam Bạc, chen nhau xem bắn pháo hoa. 

Nhưng ở góc phố nhỏ, người “nghệ sỹ” già ấy vẫn lặng lẽ chơi những bản tình ca vượt thời gian, về quê hương, về hiếu đạo làm người… Rất nhiều người đi đón giao thừa đã chọn đứng nghe tiếng đàn ông Lý. 

Hành trình sống kiếp nghệ sỹ đường phố của ông Lý cũng được thay đổi theo thời gian. Ban đầu không có tiền, ông đi bộ cả chục cây số từ nhà trọ lên trung tâm thành phố để chơi đàn. Sau ông mua được chiếc xe đạp tự đi. Khi sức khỏe yếu hơn, có một bác xe ôm gần nhà đã nhận chở ông đều đặn hàng ngày. 

Và cũng như thường lệ, vào lúc hơn 12h trưa 28/7, bác xe ôm ấy đến đường Lê Hồng Phong đón ông Lý về nhà ăn cơm trưa. Đi khỏi chỗ ông vừa chơi đàn chừng vài trăm mét, chiếc xe container đã cán lên ông. 

{keywords}

{keywords}

Hải Phòng sáng cuối tuần. Góc phố quen thuộc nay vắng bóng ông Lý và tiếng đàn vĩ cầm đã vĩnh viễn ngưng vang lên

Ông Lý tử nạn đau thương, chiếc đàn vĩ cầm nguyên vẹn rơi ra nằm ngay bên cạnh thi thể đẫm máu. Bác xe ôm thân tình cũng bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Từ đây, người Hải Phòng sẽ không còn được nghe tiếng đàn của người “nghệ sỹ” già ấy nữa. 

Tiếng vĩ cầm trong lòng dân đất Cảng đã tắt, chỉ còn để lại những xót xa, thương cảm khôn nguôi về một phận người tài hoa, bất hạnh. 

Cây vĩ cầm đường phố ở Hải Phòng bị xe đầu kéo đâm tử vong

Cây vĩ cầm đường phố ở Hải Phòng bị xe đầu kéo đâm tử vong

Cụ Đỗ Bá Lý- người kéo vĩ cầm trên đường phố Hải Phòng đã qua đời vì tai nạn giao thông. 

Cậu bé chơi đàn ở phố đi bộ bị hỏi giấy phép: Quận đang kiểm tra

Cậu bé chơi đàn ở phố đi bộ bị hỏi giấy phép: Quận đang kiểm tra

Phó chủ tịch quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong cho biết, quận đang kiểm tra việc một cậu bé khi chơi đàn trên phố đi bộ thì bị hỏi giấy phép.

Nhạc nước lung linh trên phố đi bộ đầu tiên ở Sài Gòn

Nhạc nước lung linh trên phố đi bộ đầu tiên ở Sài Gòn

Tối 20/4, đài phun nước số 2 - Hồ tròn (trước tòa nhà Sunwah) đã được nhà thầu vận hành thử nghiệm trong màn nhạc nước lung linh sắc màu...

Nguyễn Thu Hằng