Để không lãng phí, trùng lắp, các đoàn đi nước ngoài trao đổi kinh nghiệm, tham quan nên chia sẻ thông tin cho đoàn đi sau - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Trao đổi với VietNamNet tại cuộc gặp gỡ báo chí cuối năm tổng kết công tác đối ngoại 2013 chiều 31/12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề cập công tác đoàn ra nước ngoài trong năm qua:

2.300 đoàn chứ không phải 3.200

Thưa Phó Thủ tướng, báo cáo của ông tại hội nghị của Chính phủ với các địa phương vừa qua cho hay số lượng đoàn công tác ra nước ngoài trong năm 2013 đã giảm 30% nhưng vẫn được cho là còn lớn. Phải chăng nỗ lực tiết kiệm ngân sách mới chỉ cắt giảm cơ học về mặt số lượng mà chưa tính đến siết chặt hiệu quả của đoàn công tác ra nước ngoài?

Một số báo đưa nhầm con số tôi đã thông tin tại hội nghị của Chính phủ. Theo số liệu tôi báo cáo, năm 2012, số đoàn công tác ra nước ngoài là 3.780. Năm 2013, con số này ước giảm còn 2.300 (có báo đưa nhầm thành 3.200).

{keywords}
 Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Minh Thăng

Nghị quyết của Chính phủ năm qua yêu cầu phải giảm các chuyến đi nước ngoài và các bộ, ngành và địa phương đã thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng, nghị quyết của Chính phủ. Tôi cho rằng, mức giảm 30% là giảm nhiều.

Triển khai công tác đối ngoại, hội nhập toàn diện là việc của không chỉ TƯ mà cả địa phương, các đoàn đi ra nước ngoài để tăng cường quan hệ với các nước là cần thiết. Không phải bây giờ nói đi ra nước ngoài là không cần thiết.

Chúng ta cắt hết không được mà vẫn cần thiết để cho công tác đối ngoại, nhất là các địa phương tăng cường quan hệ quốc tế đã có những hiệu quả khi kết nối với các địa phương nước bạn.

Nhưng cũng phải rút kinh nghiệm ở chỗ, dù không phải tất cả hơn 2.000 đoàn, nhưng có những đoàn đi chưa hiệu quả, nhiều đoàn đến một nơi hỏi cùng một câu hỏi, vấn đề thì người ta sẽ đặt câu hỏi liệu cái chúng ta cần là gì.

Nên những đoàn đi về, tìm hiểu được kinh nghiệm rồi phải chia sẻ thông tin để cho những người khác không đi cũng học được kinh nghiệm đó, chứ không thể cứ đoàn này đi sang hỏi đúng câu của đoàn đi trước sẽ lãng phí, không hiệu quả.

Cơ quan đại diện ngoại giao làm đầu mối

Như thế cơ chế báo cáo, đánh giá về hiệu quả của các đoàn công tác ra nước ngoài của liên ngành, bộ, địa phương có vấn đề, thưa ông?

Chúng ta đang thiếu một đầu mối để điều phối chung hiệu quả từ hoạt động đi trao đổi học tập, kinh nghiệm từ các bộ, ngành, địa phương. Có thực tế các cơ quan, địa phương có những dự án hợp tác riêng, nhưng nên phải có một cơ chế điều phối.

Đề cập vấn đề này, Thủ tướng phản ánh trong hội nghị với các địa phương là có nước bạn phản ánh, họ nghe thấy đồng nghiệp Việt Nam đến là “sợ”. Trong hoạt động trao đổi công tác đi nước ngoài, làm sao tranh thủ nguồn lực hợp tác, đảm bảo hiệu quả ngân sách mà vẫn thể hiện tinh thần hợp tác cởi mở, thân thiện?

Hiện nay các đoàn của Chính phủ, bộ ngành và địa phương đi nước ngoài theo chương trình thăm chính thức, làm việc ở các nước thì các cơ quan đại diện ngoại giao của ta ở nước ngoài nắm được và tham gia hỗ trợ.

Còn nhu cầu ở trong nước của từng cơ quan, địa phương muốn học tập kinh nghiệm, tham quan thì các cơ quan đại diện ngoại giao chưa nắm được. Tôi nghĩ tiến tới các cơ quan đại diện có thể làm “cố vấn” cho những chương trình học tập kinh nghiệm trao đổi, tham quan để tránh trùng lắp, hiệu quả, phù hợp theo nhu cầu.

Bộ Ngoại giao sẽ giao các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài làm đầu mối. Các đoàn của bộ, ngành và địa phương khi đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm có thông báo cho Bộ Ngoại giao, các địa phương có thể phối hợp với Cục Ngoại vụ địa phương. Như vậy các cơ quan đại diện có thể nắm những vấn đề đoàn nào đi trước đã trao đổi kinh nghiệm gì, đề cập để các đoàn đi sau không đề cập trùng lắp. Tôi nghĩ có thể kiểm soát được vấn đề đó.

Linh Thư - Hồng Nhì