- Chúng ta có do dự, ngại khó trong việc cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN hay không? - Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đặt câu hỏi xung quanh kết quả tái cơ cấu DNNN.

>> Mỗi ngày phải cổ phần hóa hơn 1 DNNN

>> Cách chức lãnh đạo DNNN chần chừ cổ phần hóa

Nhiều vấn đề được đề cập trong phiên họp của UBTVQH sáng nay khi nghe đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo (bổ sung) về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng theo nghị quyết số 10 của QH về kế hoạch kinh tế - xã hội 2011-2015.

{keywords}

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền thẳng thắn: "Báo cáo giám sát thiếu một cái gì đó, đó là trách nhiệm từng cấp một".

Ông đặt câu hỏi: “Trong quá trình tái cơ cấu, chúng ta đã xác định được thể chế nào phù hợp, thể chế nào chưa? Tại sao chưa phù hợp, còn thiếu thể chế gì mới có thể thực hiện tái cơ cấu thành công?

Báo cáo giám sát nếu chưa chỉ ra được trách nhiệm của từng bộ, ngành thì cũng phải nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ đến đâu, địa phương đến đâu… trong những mặt được và chưa được của tiến trình tái cơ cấu. Chẳng hạn ngay từ QH khóa trước đã có ý kiến nhận định rằng nền kinh tế của chúng ta nhỏ bé thế mà cứ ra ngõ là gặp ngân hàng. Bây giờ, qua quá trình tái cơ cấu thì kết quả thế nào?”.

Đề cập cụ thể vào vấn đề tái cơ cấu DNNN, ông Quyền phát biểu, tập đoàn kinh tế thí điểm bao nhiêu năm rồi, rồi tái cơ cấu nhưng quá chậm. Những bất cập của hai Vina (Vinashin - Vinalines - PV), nhưng hành lang pháp lý cho các tập đoàn chỉ là văn bản thực hiện thí điểm.

"Các tập đoàn là xương sống của DNNN trong tái cơ cấu thì chúng ta đổi mới, chuyển dịch cơ cấu được đánh giá như thế nào?... Quả thực báo cáo giám sát phản ánh rất sinh động. Nhưng được gì, thiếu gì và trách nhiệm các cấp như thế nào thì tôi chưa thấy bóng dáng đó” - ông Quyền nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm với ông Nguyễn Đình Quyền, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cũng nhận xét, dù được chuẩn bị rất công phu; nhưng “một báo cáo giám sát phải khác với báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, phải làm nổi bật kết quả giám sát và kiến nghị rất rõ, trong đó một nhận xét quan trọng - theo tôi - là việc triển khai tái cơ cấu không kiên quyết”.

Ông Phan Trung Lý phân tích, QH ra nghị quyết về tái cơ cấu năm 2011, năm 2013 Chính phủ mới trình đề án, đến nay cũng mới triển khai thực hiện. “Hình như chúng ta rất ngại nói về trách nhiệm, nặng nhất cũng chỉ phê bình là “chưa thể hiện quyết tâm cao”.

Không nên êm êm ái ái

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình báo cáo phải chỉ ra được trách nhiệm của các cấp trong chậm triển khai tái cơ cấu. Chậm do ban hành chính sách chậm, chưa chính xác, thực hiện rồi chưa kiểm tra, kiểm tra nhưng không có kết quả…đều phải nêu rõ trong báo cáo.

{keywords}

Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng

Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nói báo cáo giám sát phải làm rõ hơn nữa việc “có do dự, ngại khó trong việc cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN hay không? Tại sao chỉ tiêu về lao động lại nhiều năm không đạt, cả về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực? Nếu do lỗi chủ quan thì cũng phải nói rõ vào đây”.

Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn quan tâm đến mức độ tin cậy của số liệu trong các báo cáo và đoàn giám sát đã thẩm tra chưa, hay chỉ dựa vào báo cáo của Chính phủ? Ông cũng nói thêm, phải tìm hiểu xem tại sao một số nước trong khu vực vẫn tăng trưởng khá, trên 7%, lạm phát thấp, mặc dù bị ảnh hưởng của kinh tế thế giới, dịch bệnh, thiên tai..., “không biết họ có tái cơ cấu không mà khá thế”?

Trong khí đó, nhấn mạnh đây sẽ là giám sát tối cao của QH, báo cáo phải cung cấp chất liệu tốt để QH giám sát, ra nghị quyết, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu:

“Cần nêu rõ vào đây từ nay đến năm 2015 đặt ra mục tiêu tái cơ cấu cụ thể như thế nào? Chủ trương, giải pháp gì để thực hiện? Đừng nghĩ 5 năm 2011 - 2015 ta làm xong tái cơ cấu, đó là một quá trình dài và gian khổ, nhưng phải hình dung được kết quả năm 2015 đạt cái gì, đến 2020 thế nào?

Cụ thể như tái cơ cấu đầu tư công, hạn chế lớn nhất đầu tư chưa hiệu quả, đồng tiền bỏ từng ấy lẽ ra phải được từng này. Chất lượng công trình còn nhiều vấn đề lắm, tái cơ cấu để nâng cao chất lượng hiệu quả, đầu tư công phải đảm bảo chất lượng đầu tư.

Do yếu tố kỹ thuật chưa cao, năng suất lao động không cao. Đầu tư nhà máy, công nghiệp phụ trỡ không có phải đi mua, nhập khẩu. Nhập siêu giải quyết được tương đối tốt nhưng phải do tái cơ cấu không hay do kinh tế suy giảm, DN sụp đổ không làm ăn được.

Hay liên quan DNNN phải đánh giá hiệu quả hoạt động, tái cơ cấu DN yếu kém nguyên tắc theo thị trường, phát triển đội ngũ doanh nhân... Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng phải nhận xét khách quan có chuyển biến nhưng tồn tại là gì.

Tất cả những vấn đề như vậy đều phải đề cập trong báo cáo. Nếu báo cáo "cứ êm êm ái ái dịu dịu dàng dàng tăng cường thúc đẩy thì ra nghị quyết làm gì? Nên bỏ công thức QH cơ bản tán thành báo cáo giám sát. Cứ nói thẳng" - Chủ tịch QH phát biểu.

Linh Thư - Ảnh: Lê Anh Dũng