- Trang tin điện tử tổng hợp mang tính báo chí phải cạnh tranh bình đẳng với báo chí, không thể chỉ "ngồi mát ăn bát vàng". Nếu không cho tồn tại thì phải chuyển đổi thành báo điện tử để quy trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định pháp luật.

Với đặc tính "ngồi mát ăn bát vàng", chực xem có thông tin “hot” từ nơi khác xào lại đăng để câu view, thu hút quảng cáo, trang tin điện tử tổng hợp mang tính báo chí đang là nỗi đau đầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ bản quyền của lao động báo chí chính thống. 

Trao đổi với VietNamNet, ĐBQH Đoàn Nguyễn Thùy Trang, Phó chủ tịch Hội nhà báo TP.HCM cho hay hiện có một dạng trang tin điện tử tổng hợp của các cơ quan, tổ chức đăng thông tin phục vụ lợi ích công cộng hoặc các doanh nghiệp đăng thông tin thuần túy quảng bá. 

Những trang điện tử này là cần thiết dù có lúc chúng cũng dẫn lại thông tin của cơ quan báo chí nhưng chỉ thuộc lĩnh vực hoạt động của họ.

{keywords}

Trong khi đó trên mạng tồn tại những trang tin điện tử tổng hợp có tính báo chí, hoạt động mang tính báo chí cần phải xem xét điều chỉnh quản lý.

Quy định rõ mới xử được báo “lá cải”

Loại trang tin điện tử mang tính báo chí có đặc thù nào khiến bà lo ngại nhất đe dọa cạnh tranh không lành mạnh với báo chí chính thống?

Theo quy định hiện nay, những trang tin này được phép lấy tin tức từ 5 tờ báo khác để đăng lại nếu được các tờ báo này cho phép và có quyền chọn những tin, bài theo ý chủ quan của họ. 

Nhưng thực tế có trang tin còn tự tiện lấy bài của báo khác không xin phép hoặc “xào nấu” tin tức có sẵn thành bài viết của mình. Trong khi các báo phải lao động vất vả, một đội ngũ làm việc mới có một bài báo hoàn chỉnh, còn các trang tin này chỉ “ngồi mát ăn bát vàng”, chực xem có gì “hot” lấy lại đăng để câu view, thu hút quảng cáo. 

Độc giả nếu không để ý cũng khó phân biệt được đâu là báo điện tử chính thống có lao động báo chí, đâu là trang tin điện tử tổng hợp chỉ lấy bài của báo đưa lên mà chỉ gọi chung là “báo mạng”. 

Do đó, tôi đề nghị không nên cho tồn tại các dạng trang thông tin điện tử tổng hợp mang tính báo chí này. Hoặc nên chăng luật cho phép họ chuyển đổi sang báo điện tử để hoạt động báo chí trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với các tờ báo điện tử khác.

Không chỉ trang tin điện tử mang tính báo chí, có ý kiến nên đưa mạng xã hội vào phạm vi điều chỉnh của luật. Như thế có khả thi, thưa bà?

Đối với trang mạng xã hội, tôi cho rằng không mang tính báo chí và luật không nên đưa vào mà có thể điều chỉnh bằng các luật khác như: Bộ luật Dân sự, Hình sự, luật Xử lý vi phạm hành chính... 

Những trang mạng xã hội đăng thông tin liên quan đến cá nhân, tổ chức, có tính chất xúc phạm, vu khống sẽ xử lí, khởi kiện theo pháp luật dân sự hoặc có đề nghị xử lý hình sự tùy mức độ.

Không có quy định nào trong luật thừa nhận báo chí tư nhân và cả một dòng báo đang nổi lên chiếm lĩnh thị trường đọc là báo “lá cải”. Không ít phụ san, chuyên trang mang tính giật gân, câu khách mà nhiều người cho là dạng thông tin “lá cải”. Theo bà, dự thảo luật cần điều chỉnh ra sao trước thực tiễn này?

Dự thảo luật lần này không đề cập trực tiếp vấn đề này nhưng có quy định cấm đăng tải những thông tin giật gân, câu khách, vi phạm thuần phong mỹ tục. Nếu quy định chung chung như vậy không giải quyết được vấn đề. Phải làm rõ thế nào là giật gân, câu khách, vi phạm thuần phong mỹ tục mới có cơ sở để xử lí những vi phạm.  

Nội dung tiến bộ

Tôi cho rằng quy định “không kiểm duyệt báo chí trước khi đăng” là một trong những nội dung tiến bộ của dự thảo luật lần này. Nhà nước giao trách nhiệm cho các cơ quan báo chí nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thay vì Nhà nước “tiền kiểm” chuyển thành “hậu kiểm”, cách làm này phù hợp với thực tiễn và khả thi hơn.

Thu Hằng