- Theo báo cáo của Cục Hàng không VN, tính đến hết tháng 5/ 2014 các hãng hàng không Việt Nam có tỷ lệ chậm, hủy chuyến trên tổng số chuyến bay chiếm tới 25%.

Tại cuộc họp Ban cán sự đảng Bộ GTVT (ngày 7/7), ông Thăng đã chỉ đạo Cục Hàng không VN lập tức công khai toàn bộ chuyến bay bị hủy, chậm chuyến và thời gian cụ thể bị chậm của các hãng hàng không. Không thể chấp nhận việc chậm chuyến liên tục như hiện nay!

{keywords}
Theo Cục Hàng không VN, tỷ lệ chậm hủy chuyến trên tổng số chuyến bay trong 5 tháng đầu năm 2014 chếm tới 25%.

Bộ trưởng Thăng yêu cầu Cục Hàng không VN ngay thứ 6  tuần này (11/7) có báo cáo cụ thể về thực trạng chậm, hủy chuyến, đồng thời phải làm việc ngay với các hãng hàng không, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến chậm, hủy chuyến là gì, do đơn vị nào.

Theo báo cáo của Cục Hàng không VN, tính đến hết tháng 5/ 2014 các hãng hàng không Việt Nam có tỷ lệ chậm, hủy chuyến trên tổng số chuyến bay chiếm tới 25%.

Cụ thể, Vietjet Air có tỷ lệ số lượng chậm hủy chuyến chiếm tới 51% trên tổng số chuyến bay. Trong đó, chậm chuyến chiếm hơn 48%. Tiếp theo là Jetstar Pacific với 50%. Vietnam Airlines có tỷ lệ hoãn hủy thấp nhất, 14%; Vasco là 17%.

Cục Hàng không cũng đánh giá, con số 25% tỷ lệ chuyến bay chậm hủy là khá cao nếu so với cùng kỳ năm 2013 (16%) và thực sự gây ảnh hưởng rất lớn đối với chất lượng dịch vụ hành khách.

Cục Hàng không cũng chỉ đích danh lý do khi có đến 50% số chuyến bị chậm, hủy có liên quan đến việc dồn chuyến, hủy chuyến vì lý do thương mại, cơ sở vật chất của cảng hàng không vào các giờ cao điểm.

“Các hãng hàng không thông tin cho hành khách đối với các chuyến bay bị chậm có thời gian dài và chưa xác định được thời gian khởi hành, chưa thỏa đáng dẫn đến việc hành khách bức xúc do phải chờ đợi và mệt mỏi khi nhận được thông tin giờ khởi hành thay đổi liên tục”, Cục Hàng không VN nhận định.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu Cục Hàng không VN xây dựng Đề án tái cơ cấu, đổi mới toàn diện ngành hàng không. Trong việc sửa Luật Hàng không, phải xem xét, rà soát lại toàn bộ quy trình, quy phạm bay, tiêu chuẩn bay…  để nâng cao hiệu quả quản lý.

Đặc biệt, việc cải tổ lại ngành hàng không phải tập trung vào chất lượng, dịch vụ, an ninh, an toàn, phải tạo sự chuyển biến rõ nét so với hiện nay.

“Phải làm việc ngay với các hãng hàng không, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến chậm, hủy chuyến bay là do đơn vị nào… Không thể chấp nhận việc chậm chuyến liên tục như thế này được” - Bộ trưởng Thăng nói

Ngoài ra, Cục Hàng không VN cũng cần tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, kêu gọi các hãng hàng không trong và ngoài nước mở tuyến đi và đến các cảng hàng không quốc tế.

Vũ Điệp