Quyết tâm làm nông nghiệp hữu cơ nên anh Hoàng Mạnh Ngọc  - một người con của Nguyên Bình (Cao Bằng) không bón phân hóa học; không phun thuốc trừ sâu; nuôi dê, ngỗng, thỏ lấy phân ủ với cỏ làm phân hữu cơ; trồng hoa dụ thiên địch đến làm tổ, sinh sống để diệt sâu bệnh.

Anh Ngọc đi khắp các vùng chè như Thái Nguyên, vùng chè shan tuyết như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái để tìm hiểu công nghệ làm chè an toàn, phân tích cái độc hại của lối làm chè thời cơ chế thị trường cẩu thả.

{keywords}
Anh Hoàng Mạnh Ngọc đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 500 người là đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Cao Bằng.

Anh Ngọc cũng đã đi Đài Loan nhiều lần, để tìm hiểu thị trường phía bạn. Họ cần gì và Phja Đén có gì cho họ? Mạnh dạn đầu tư kinh phí mời đoàn chuyên gia của bạn sang thăm Phja Đén, đến từng hộ gia đình người Nùng, Dao tiền và Dao đỏ ở xã Thành Công (nơi có núi Phja Đén) hỏi thăm nguyện vọng của bà con, nghiên cứu các cây chè cổ thụ cả trăm năm tuổi.

Sau khoảng thời gian trồng chè thử nghiệm thành công, anh bắt đầu phổ biến và kêu gọi người dân trồng chè. Mỗi một vụ chè, anh kiên trì đồng hành cùng người dân bằng cách mời các chuyên gia đến tập huấn về cách thức trồng trọt, cung cấp giống, chuyển giao công nghệ hiện đại và tìm thị trường bao tiêu đầu ra ổn định cho người dân yên tâm sản xuất.

{keywords}
Anh Hoàng Mạnh Ngọc phấn khởi bên đồi chè hữu cơ xanh tốt quanh năm. 

 

Trước kia, bà con dân bản làm chè có khi chỉ bán với giá rất rẻ là 40 nghìn đồng/kg. Đói vẫn hoàn đói dù quanh năm bám trụ với cây chè. Nhưng nhờ công nghệ Organic Quốc tế, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm VietGAP được chuyên gia về tận núi non tập huấn cho các nông hộ. Lô hàng đầu tiên xuất sang Đài Loan thành công, giá bán từ 2 triệu đến 6 triệu đồng/kg. Lợi nhuận phân chia hợp lý, bà con người Dao phấn khởi gọi bình nguyên chè mênh mông mấy chục héc-ta của anh Ngọc là một ngọn đèn mới, thắp sáng vùng núi cao heo hút lam lũ bao đời này.

Đến nay, diện tích trồng chè của Kolia ngày càng được mở rộng. Hiện, công ty đang trồng 10 loại chè nổi tiếng của thế giới. Các sản phẩm chè của Kolia đã thâm nhập được vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Anh, châu Âu, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Anh tiếp tục thực hiện dự án trồng rau và hoa ôn đới như: Hoa ly, tuy lip, lay ơn, súp lơ, đậu Hà Lan. Các sản phẩm này được trồng quanh năm, một mặt để tiêu thụ ở các cửa hàng thực phẩm sạch ở TP Cao Bằng, một mặt để phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch trong mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái của anh. 

{keywords}
Anh tiếp tục thực hiện dự án trồng rau và hoa ôn đới.

 

Ông Du Văn Síu, Chủ tịch UBND xã Thành Công thẳng thắn nói: Tôi nói không phải nịnh anh Ngọc chứ không những anh ấy đã mang tiền về cho bà con mà còn mang cả ánh sáng văn hoá về nữa.

“Chúng tôi đang tiếp tục thực hiện đề tài bảo vệ các giống lan rừng và trồng cây dược liệu. Thời gian tới, Kolia sẽ nhanh chóng triển khai dự án này và mời các chuyên gia đến làm việc cùng người dân để đem lại hiệu quả sản xuất cao nhất. Nếu nghiên cứu thành công, chúng tôi sẽ hướng dẫn dân bản trồng sâm ngọc linh, chắc chắn đời sống dân bản sẽ nâng cao hơn nữa”, anh Ngọc chia sẻ.

Ông Nông Văn Trường, Phó Chủ tịch huyện Nguyên Bình phấn khởi cho biết, mô hình kinh tế làm nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch sinh thái của anh Hoàng Mạnh Ngọc đã góp phần thu hút số lượng lớn khách du lịch đến với Nguyên Bình, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương. Chỉ tính riêng năm 2018, đã có tới khoảng 38000 lượt khách tới huyện tham quan. Riêng số lượng khách đến với Kolia khoảng từ 6000 – 10000 lượt khách (năm 2017) và hơn 10.000 lượt (năm 2018).

 

{keywords}
Nguyên Bình lại đang nhanh chóng cựa mình để phát triển.

 

"Đặc biệt, với mong muốn biến nơi đây trở thành vùng đất giàu có, trù phú, Hoàng Mạnh Ngọc đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 500 người là đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Cao Bằng đến làm việc tại cơ sở sản xuất cũng như tự sản xuất tại vườn, ruộng của mình theo tiêu chuẩn đã cam kết với công ty", ông Nông Văn Trường nhấn mạnh.

Giữa một vùng đất quanh năm có mây mù bao phủ với 85% là người dân tộc thiểu số, ít ai có thể ngờ rằng chỉ với ý chí của một người xuất thân từ chính quê nghèo ấy, Nguyên Bình lại đang nhanh chóng cựa mình để phát triển. Người dân làm giàu trên chính thửa ruộng, mảnh vườn của mình, khiến cuộc sống ngày một được ổn định và khấm khá hơn.

Bài: Lê Thanh Hùng - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Ngọc Quý - Nhóm PV