Một trong những thành công lớn nhất của công cuộc xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam đến từ việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Hiệu quả trên thực tế đã chứng minh, tín dụng chính sách xã hội là “cú hích” thay đổi về tư duy xóa đói, giảm nghèo bền vững, khơi dậy ý chí vươn lên cho người nghèo, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số tâm thế chủ động phát triển kinh tế gia đình, tiến tới mục tiêu làm giàu thay vì trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay, vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc để phục vụ người nghèo thông qua trên 20 chương trình tín dụng chính sách và các dự án. Giai đoạn từ năm 2016 đến hết tháng 8/2019, có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, trong đó có hơn 1,4 triệu hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với doanh số cho vay đạt hơn 220.000 tỷ đồng.

{keywords}
Tín dụng chính sách xã hội là “cú hích” thay đổi về tư duy xóa đói, giảm nghèo bền vững, khơi dậy ý chí vươn lên cho người nghèo, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số - Hình minh họa

Nguồn vốn này đã góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 775.000 lao động; gần 200.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 108.000 căn nhà ở cho hộ nghèo.

Các chính sách tín dụng ưu đãi được coi là cú hích, bước đột phá trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng dân tộc thiểu số theo hướng chuyển dần từ cơ chế hỗ trợ cho không sang cho vay có điều kiện. Các chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay vốn tín dụng chính sách gắn với phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đột phá mạnh vào vùng lõi nghèo của cả nước, tạo động lực cho người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2016-2018, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp người dân vùng dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. 

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, trong giai đoạn trên, nhờ vốn tín dụng, có trên 230.000 hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho gần 123.000 lao động. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cũng giúp trên 32.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ dân tộc thiểu số được vay vốn học tập. Ở góc độ rộng hơn, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống trong vùng dân tộc thiểu số mà hơn 784.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và hàng nghìn căn nhà ở được xây dựng từ vốn tín dụng chính sách xã hội là minh chứng điển hình nhất.

Thực tiễn cho thấy, cần tiếp tục nghiên cứu, thiết kế những chính sách mang tính đột phá mới cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng “tăng cho vay, giảm cho không”, cụ thể như: Mở rộng đối tượng thụ hưởng là hộ dân tộc thiểu số có mức sống trung bình được vay vốn; đột phá về mức vay dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tạo điều kiện cho hộ vay đủ nguồn vốn mở rộng sản xuất, đối với những hộ có dự án mang tính hiệu quả cao, phát triển kinh tế thì tạo điều kiện cho vay với mức vay đáp ứng được nhu cầu của dự án mà không quy định về định mức. Về thời hạn cho vay, có thể trên 5 năm đến 10-20 năm tùy theo dự án. Bên cạnh đó, nên xây dựng quỹ khuyến nông, hỗ trợ khoa học kỹ thuật và quỹ khởi nghiệp dành cho thanh niên dân tộc thiểu số. 

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 1/11/2012 của Chính phủ, về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.

Chỉ thị nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 1/11/2012 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực, chủ động triển khai, đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương xác định mục tiêu, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 để bảo đảm thực hiện tốt các chính sách, chương trình, đề án thuộc lĩnh vực người có công và an sinh xã hội; tập trung ưu tiên giải quyết chế độ, chính sách cho vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, người có hoàn cảnh khó khăn và yếu thế trong xã hội.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, bảo đảm sử dụng đúng và có hiệu quả nguồn lực cho an sinh xã hội trên địa bàn; đưa các chỉ tiêu bảo đảm an sinh xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm của địa phương để triển khai, thực hiện.

Bài: Bùi Bình Minh - Nhóm PV
Ảnh: Phạm Thu Huyền - Nhóm PV