- Thảo luận về dự luật Tiếp cận thông tin tại QH chiều nay, ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội) phản ánh có những thông tin quy hoạch được cơ quan nhà nước đề “mật” nhưng rồi vẫn có người biết, nhờ đó giàu lên sau một đêm.

Bà An đề nghị phải liệt kê danh mục thông tin bí mật ngay trong luật này để tránh tình trạng thông tin không mật vẫn đóng dấu mật để có lợi ích nhóm.

{keywords}
ĐB Bùi Thị An. Ảnh: Cổng TTĐT QH

Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh cho rằng, các quy định về thông tin công dân không được tiếp cận chưa cụ thể, rõ ràng.

“Đồng ý là thông tin bí mật nhà nước thì không được tiếp cận nhưng những thông tin nào là bí mật nhà nước đang nằm ở rất nhiều luật chuyên ngành, người dân làm sao biết hết được để mà tiếp cận đúng những thông tin được phép”, ông Vinh nói.

ĐB Vinh dẫn ra dự thảo luật có một điều khoản không khác nào “cái bẫy” đối với người dân: Thông tin do người đứng đầu cơ quan nhà nước xác định theo thẩm quyền mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, gây nguy hại lớn đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan; các tài liệu do cơ quan soạn thảo cho công việc nội bộ; ý kiến của các chuyên gia trong quá trình hoạch định chính sách.

Ông khuyến cáo quy định “quá mập mờ” này có thể là cái cớ để cơ quan nhà nước từ chối cung cấp thông tin cho người dân, khiến người dân không xác định được lối đi.

Sao mấy ngày trời mới trả lời dân?

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng lập luận: Kể cả những thông tin bí mật nhà nước thì vẫn có một bộ phận công dân là cán bộ, công chức được tiếp cận. Do đó, chỉ nên quy định đó là thông tin hạn chế tiếp cận.

ĐB Trần Ngọc Vinh còn nêu ra dự thảo chưa công bằng, bình đẳng trong trách nhiệm cung cấp thông tin khi quy định chỉ cơ quan nhà nước mới có trách nhiệm này.

{keywords}
ĐB Trần Ngọc Vinh. Ảnh: Cổng TTĐT QH

Theo ông, công dân còn cần thông tin từ các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ và bất cứ đơn vị nào sử dụng ngân sách nhà nước như trường học, bệnh viện. Đó là những thông tin không chỉ liên quan đến sử dụng ngân sách mà còn liên quan đến đời sống xã hội, quyền và lợi ích của dân.

“Công dân có quyền tiếp cận những thông tin này cũng sẽ góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí, oan sai”, ông lưu ý.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thắc mắc: “Giờ thông tin trao đổi qua mạng rất nhanh, dân yêu cầu có thể phản hồi ngay, mà sao luật vẫn quy định mấy ngày mời trả lời dân. Cần giảm những thủ tục hành chính cổ điển, lạc hậu đó đi”.

Chung Hoàng