Trong quá trình xây dựng NTM, bằng nhiều giải pháp thiết thực, sáng tạo cùng sự chung tay chung sức của hệ thống chính trị, người dân, đến nay toàn tỉnh Đắk Lắk đãcó 43/152 xã đạt chuẩn NTM, bằng 107,5% kế hoạch năm 2018 đề ra. Bình quân toàn tỉnh đạt 14 tiêu chí/xã, không có xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Đến hết năm 2019, tỉnh phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn NTM lên 50. TP.Buôn Ma Thuột được trung ương công nhận hoàn thành nhiệm vụ NTM.

Nhiều mô hình nông nghiệp theo chuỗi sản xuất được hình thành, có hiệu quả, giúp đời sống vật chất của người nông dân nông thôn được cải thiện.

Theo ông Vũ Văn Đông - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2019, Chương trình xây dựng NTM chútrọngtập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn thông qua việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; hỗ trợ hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn đối với các nhóm sản phẩm chủ lực, đẩy mạnh chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã kiểu mới; triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực ở mỗi thôn, buôn, xã.

{keywords}
Các xã vùng biên giới đặc biệt khó khăn sẽ được tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ trong chương trình xây dựng NTM (ảnh: LAD)

Theo Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia của tỉnh, NTM đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn họ hăng say, nhiệt huyết tham gia đóng góp sức người, sức của để xây dựng NTM.

Đặc biệt, từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, xác định rõ lợi ích và trách nhiệm của mình với cộng đồng để tự lựa chọn công trình, phần việc thiết thực, phù hợp nhằm đóng góp xây dựng NTM tại địa phương.

Ở đây, cần đặc biệt nhấn mạnh đến sức mạnh của công tác tuyên tuyền, vận động của toàn hệ thống chính trị, nhất là vai trò đầu tàu của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp tỉnh đến xã.

Cơ chế trao quyền tự quyết cho cộng đồng đã phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của các địa phương, sự tham gia của người dân, tạo nên sức mạnh to lớn của toàn xã hội thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Sự hỗ trợ của Nhà nước tuy hạn chế, nhưng đã được sử dụng có hiệu quả cao, kết hợp với sự đóng góp lớn của nhân dân.

Tiếp nối những thành công trên, Đắk Lắk xác định tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống thu nhập cho người dân nông thôn. Đây sẽ là nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện trong thời giai đoạn tới.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2019-2020, Đắk Lắk còn triển khai kế hoạch thực hiện thôn, buôn làng NTM trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới.

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Bộ tiêu chí thôn, buôn NTM trên địa bàn 50 thôn của 4 xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới thuộc 2 huyện Buôn Đôn, Ea Súp.

Mục tiêu đến năm 2020, các thôn, buôn làng NTM sẽ có mô hình sản xuất, kinh doanh tập trung, hiệu quả gắn với liên kết vùng nguyên liệu theo định hướng của chương trình OCOP, mô hình phát triển du lịch cộng đồng.

Đời sống nhân dân phải được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 lần so với năm 2015.
Một số công trình hạ tầng thiết yếu cấp thôn, buôn làng phục vụ sản xuất và sinh hoạt phải đạt chuẩn theo quy định. Phấn đấu 35,3% số thôn, buôn được công nhận đạt chuẩn NTM.

Tổng ngân sách thực hiện cho chương trình xây dựng NTM ở các thôn, buôn tại 4 xã khu vực biên giới thuộc huyện Buôn Đôn và Ea Súp sẽ là 28 tỷ đồng. Ngoài ra còn huy động sự hỗ trợ của doanh nghiệp, người dân, của các tổ chức, hiệp hội trong tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Giang Cry Niê Knơng cho biết, việc triển khai Bộ tiêu chí đặc biệt này nhằm phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân để vươn lên thoát nghèo, xây dựng NTM, tạo ra các thôn, buôn làng có kinh tế hộ phát triển; có mô hình sản xuất, kinh doanh, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội phù hợp; có cảnh quan môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp; an ninh trật tự được đảm bảo; quốc phòng an ninh được giữ vững…

Đặc biệt, Bộ tiêu chí này còn nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của cộng đồng và những nét đặc thù của từng địa phương, tạo tiền đề để xã phấn đấu đạt chuẩn NTM ở những năm tiếp theo.

Tỉnh sẽ ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước các cấp và triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn; huy động tham gia đóng góp của cộng đồng dưới hình thức bằng ngày công, vật liệu, hiện vật… để thực hiện Bộ tiêu chí thôn, buôn NTM, đảm bảo đúng thời gian và hiệu quả.

Bài: Trần Thị Hảo - nhóm PV
Ảnh: Vũ Việt Bảo Phùng - nhóm PV