- Dân có nhu cầu khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan nhà nước "đón tiếp, lắng nghe, tiếp nhận" và thậm chí giải quyết. Dự thảo luật Tiếp công dân điều chỉnh hoạt động này theo hướng nhấn mạnh trách nhiệm của phía cơ quan nhà nước, được trình Quốc hội sáng 29/5.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý khi đọc báo cáo thẩm tra dự án luật tán thành phạm vi điều chỉnh, đó là tổ chức và hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức theo nghĩa "đón tiếp, lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân".

{keywords}
Ảnh: Minh Thăng

Song ông cho hay, có một số ý kiến cho rằng hoạt động tiếp công dân không thể tách rời quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bởi mục đích chính của việc tiếp công dân là nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân, phục vụ cho việc giải quyết của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và đại diện các cơ quan, đơn vị hữu quan khi tiếp công dân cũng đồng thời trực tiếp giải quyết luôn một số khiếu nại, tố cáo của người dân.

Đáp ứng nhu cầu "giải quyết", văn bản luật này cũng "nhắc lại" một số quy định đã có trong luật Khiếu nại, luật Tố cáo. Nhưng theo ông Lý, quy trình tiếp người đến kiến nghị, phản ánh và xử lý các kiến nghị, phản ánh vẫn chưa được quy định rõ.

UB Pháp luật kiến nghị dự thảo luật chỉ nên quy định về trình tự, thủ tục tiếp công dân từ việc tổ chức tiếp đón, hướng dẫn người dân khi đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết; quyền, nghĩa vụ của các bên; thủ tục tiếp nhận nội dung trình bày trực tiếp của người dân; việc phối hợp với các cơ quan hữu quan để nắm thông tin về quá trình giải quyết và thủ tục trả lời sau khi có kết quả giải quyết.

"Việc phân loại, xử lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo hay kiến nghị, phản ánh cần được thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan để tránh sự chồng chéo." - ông phát biểu.

Dự thảo luật cũng quy định về trách nhiệm tiếp và xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung. Tuy nhiên, ông Lý cho rằng, dự thảo vẫn đi theo hướng quy định cách thức giải quyết đối với các trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị mà chưa tập trung vào trình tự, thủ tục tiếp nhận cụ thể, ví dụ như khi có đoàn nhiều người cùng đến trụ sở, nơi tiếp công dân thì công chức tiếp công dân phải xử lý như thế nào, hướng dẫn cho họ cử đại diện hoặc kiểm tra, xác nhận tính hợp lệ của việc cử đại diện ra sao...

Bên cạnh đó, ngoài việc xử lý các trường hợp nhiều người cùng đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung, các trụ sở, nơi tiếp công dân hiện còn gặp khó khăn trong việc tiếp nhận, xử lý đối với các trường hợp tập trung đông người khác như có quá nhiều người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh một lúc (về các việc khác nhau) hoặc chỉ có một hoặc một số người khiếu nại nhưng lại có nhiều người khác không có quyền khiếu nại cùng đi theo hợp thành đoàn đông người.

Vì vậy, luật cũng cần có các quy định để xử lý đối với cả các trường hợp này, nhất là các quy định liên quan đến trách nhiệm phối hợp, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Linh Thư