- Vào giữa thập niên 1980, khi bắt đầu đổi mới (1986), Việt Nam là một nước nông nghiệp lạc hậu, kém hiệu suất. Khoảng 70% lao động tham gia sản xuất nông nghiệp nhưng cả nước thiếu ăn, phải nhập khẩu gạo. Công nghiệp cũng yếu và kém hiệu suất.

Sản xuất kém, thu nhập thấp nên Việt Nam không thể tiết kiệm. Tỉ lệ đầu tư trên GDP rất thấp (năm 1986 là 11.7%) và hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ. Tuyệt đại dân số là nghèo, cho đến năm 1990 vẫn còn tới gần 70%  dân số sống dưới giới tuyến nghèo (theo đánh giá của World Bank).

Sau Đổi mới, tình hình đã thay đổi hẳn. Việt Nam xuất khẩu gạo từ năm 1989, tỉ lệ người ở dưới giới tuyến nghèo giảm dần, đến năm 2010 chỉ còn 11%, và GDP đầu người theo giá trị thực tế đã tăng 3,5 lần trong giai đoạn từ 1986 đến 2011. Cơ cấu kinh tế cũng chuyển dịch một bước quan trọng từ nông sang công nghiệp. Tỉ lệ của nông nghiệp trong tổng lao động giảm từ 75% năm 1985 xuống còn khoảng 50% năm 2010. Tỉ lệ hàng công nghiệp trong tổng xuất khẩu chỉ có khoảng 20% vào cuối thập niên 1980 đã tăng lên 65% trong những năm gần đây.

Không ai phủ nhận được thành quả của Đổi mới. Nhưng so với kinh nghiệm của các nước châu Á và so với tiềm năng của Việt Nam, thành quả phát triển của chúng ta rất hạn chế.

1.    Phát triển chưa nhanh và không hiệu suất:

Trong kinh tế học phát triển có một luận đề nổi tiếng là lợi ích của nước đi sau và một giả thuyết liên quan là sự rút ngắn, sự thu hẹp của quá trình phát triển công nghiệp. Cốt lõi của luận đề này là những nước đi sau có lợi thế là có thể tận dụng công nghệ, tri thức kinh doanh, kinh nghiệm quản lý từ nước đi trước nên có thể rút ngắn quá trình phát triển, quá trình công nghiệp hóa. Thế giới đã trải qua 5 thời đại công nghiệp hóa. Thời đại thứ nhất ở Anh và thời đại thứ hai ở Mỹ và các nước Tây Âu (Pháp, Đức, v.v..) là những nước đi tiên phong về công nghệ nhưng phải mất nhiều thời gian khám phá, nghiên cứu nên tốc độ phát triển không cao. Nhật Bản là thời đại thứ ba, từ sau thế chiến thứ hai đã tạo các tiền đề để phát huy hết lợi ích của nước đi sau nên đã làm nên kỳ tích với tốc độ phát triển trung bình mỗi năm 10% kéo dài suốt 18 năm. Trong thời đại công nghiệp hóa thứ tư, Đài Loan cũng phát triển 10% trong rất nhiều năm trong giai đoạn 1962-1989. Hàn Quốc cũng đạt thành quả tương tự trong giai đoạn 1966-88.

Trong thời đại công nghiệp hóa thứ năm, Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn (tuy kém hiệu suất hơn Nhật và Hàn Quốc), trung bình 10% kéo dài gần 30 năm!. Việt Nam cũng ở vào giai đoạn công nghiệp hóa thứ năm (hoặc thứ sáu tùy theo cách nhìn) của thế giới nhưng phát triển chậm. Suốt từ Đổi mới tới nay chưa có năm nào phát triển đến 10%, phát triển 8-9% cũng chỉ có tất cả 9 năm (1992-97 và 2005-07). 3-4 thập kỷ qua là giai đoạn dân số vàng, nhưng Việt Nam đã không tận dụng được yếu tố đó. Cần nói thêm là công nghiệp hóa thế hệ thứ năm tại châu Á, đặc biệt tại Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc, tiến rất nhanh trong thời gian Việt Nam tiến hành Đổi mới.

2.    Mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa còn xa:

Việt Nam đã đưa ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ trên căn bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Nhưng dù nhìn từ tiêu chí nào thì cũng thấy mục tiêu đó còn rất xa. Hiện nay theo phân loại của Ngân hàng thế giới, bình quân đầu người từ 1.000 đến 12.000 USD là nước có thu nhập trung bình, trên 12.000 USD là nước thu nhập cao. Do đó một nước được gọi là công nghiệp phải ở mức trên 12.000 USD. VN hiện nay mới gần 2.000 USD, đến năm 2020 có lẽ khoảng 3.000-3.500 USD.

Về ngoại thương, cơ cấu xuất khẩu phải chuyền từ các ngành có hàm lượng lao động cao sang những ngành có hàm lượng tư bản và công nghệ. Ngoài ra cán cân ngoại thương cũng phải chuyển hẳn sang xuất siêu và dần dần cán cân thanh toán cũng chuyển sang xuất siêu (và như vậy mới có ngoại tệ đầu tư ra nước ngoài như sẽ nói sau). Để được như vậy, nước được gọi là công nghiệp phải có nhiều mặt hàng công nghiệp có hàm lượng tư bản và công nghệ cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới. Nhìn cơ cấu xuất khẩu và cán cân ngoại thương của Việt Nam hiện nay, không thể kỳ vọng đến năm 2020 Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại.

Các sản phẩm có công nghệ cao như các loại máy móc gần đây tăng nhanh nhờ FDI nhưng mới gần 30%, thấp hơn nhiều so với các nước lân cận. Thêm vào đó, nhập khẩu của Việt Nam trong các ngành này còn lớn hơn xuất khẩu. Chẳng hạn, tư liệu của JETRO cho thấy vào năm 2013, trong nhóm hàng công nghiệp thiết bị máy móc và linh kiện, Việt Nam xuất 6 tỉ nhưng nhập tới 18,7 tỉ USD, và trong máy tính và linh kiện thì xuất 10,6 tỉ nhưng nhập 17,7 tỉ USD.

Thứ ba, một nước được gọi là công nghiệp phát triển phải chuyển từ nước nhập tư bản sang xuất khẩu tư bản, ít nhất là theo tiêu chí xuất khẩu ròng, nghĩa là có thể vẫn còn nhập tư bản nhưng xuất ra nước ngoài nhiều hơn nhập. Muốn được vậy, Việt Nam phải có nhiều công ty trong nước đủ mạnh để đầu tư ra nước ngoài (FDI) và kim ngạch đầu tư hằng năm lớn hơn hoặc tương đương với FDI của nước ngoài tại Việt Nam. Hiện nay FDI của Việt Nam ra nước ngoài hầu như không đáng kể. Liên quan đến điểm này là tình hình nhận vốn vay ưu đãi hoặc viện trợ từ nước ngoài (ODA). Một nước có nền công nghiệp hiện đại thì không còn nhận ODA nữa, ngược lại phải trở thành nước cung cấp ODA cho những nước kém phát triển.

3. Kinh tế ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc:

Với qui mô dân số và với tốc độ phát triển nhanh kéo dài gần 30 năm, kinh tế Trung Quốc đã tác động mạnh đến kinh tế thế giới trên nhiều phương diện.

Tại Đông Á, Nhật, Hàn Quốc và nhiều nước ASEAN đã ý thức về sự trỗi dậy của Trung Quốc để vừa nỗ lực hơn trong việc củng cố lợi thế hiện tại và lợi dụng cơ hội từ thị trường Trung Quốc. Cũng là nước lân cận với Trung Quốc nhưng vị thế của Việt Nam yếu và ở trình độ phát triển thấp hơn. Do đó, nhiều mặt kinh tế bị phụ thuộc mạnh vào Trung Quốc. Biểu hiệu lớn nhất của hiện tượng này là hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào hàng nhập khẩu các sản phẩm trung gian từ Trung Quốc.

Cơ cấu ngoại thương giữa hai nước ngày càng phát triển bất bình thường và bất lợi cho Việt Nam. Không những Việt Nam nhập siêu ngày càng tăng lên mà cơ cấu cũng có tính chất buôn bán giữa một nước chưa phát triển và nước đã phát triển (xuất khẩu nguyên liệu thô hoặc sơ chế, nhập hàng công nghiệp).

Ngoài ra, doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu hầu hết các dự án trọng điểm trong các ngành quan trọng của Việt Nam cũng là hiện tượng bất bình thường. Thông tin về số lượng lao động người Trung Quốc làm việc tại Việt Nam cũng gây lo ngại. Thông thường trong những dự án FDI hay dự án xây dựng cơ sở hạ tầng do doanh nghiệp nước ngoài trúng thầu thực hiện, người nước ngoài chỉ có thể giữ những vị trí mà người trong nước không đảm nhận được (như kỹ sư có kinh nghiệm và chuyên viên quản lý cao cấp có năng lực đặc biệt liên quan dự án). Sau một thời gian nhất định những chức vụ ấy cũng phải lần lượt chuyển giao cho người bản xứ.

4. Phụ thuộc FDI:

Việc tiếp nhận FDI là cả một nghệ thuật về chiến lược, chính sách, đòi hỏi năng lực và tinh thần dân tộc của lãnh đạo, của quan chức để tranh thủ được nguồn lực của nước ngoài nhằm đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa mà kinh tế không bị chi phối bởi các công ty đa quốc gia (MNCs), không bị phân hóa thành hai khu vực độc lập của tư bản trong và ngoài nước. Trong việc tiếp nhận FDI nhiều khi xảy ra xung đột giữa lợi ích quốc gia của nước cần FDI và chiến lược kinh doanh toàn cầu của MNCs, và lợi ích quốc gia tùy thuộc sự khôn ngoan và năng lực của lãnh đạo, của quan chức trong việc tăng khả năng thương lượng đối với MNCs.

Đối với các nước đi sau, tận dụng được nguồn lực từ các nước tiên tiến có thể rút ngắn khoảng cách phát triển trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, về lâu dài, những nước thành công trong việc thu hút FDI thường có các điểm chung như sau:

Thứ nhất, FDI phải được đặt trong một chiến lược phát triển kinh tế hoàn chỉnh trong đó quy định những ngành, những lãnh vực cần thu hút FDI. Thông thường những ngành DN trong nước chưa có khả năng đầu tư nhưng xét thấy đó là những ngành có lợi thế so sánh động (lợi thế so sánh sẽ có trong tương lai) và thị trường thế giới đang lớn mạnh, lãnh đạo phải tích cực tiếp thị để kêu gọi FDI vào những ngành đó và khi MNCs đến đầu tư thì theo dõi, tạo điều kiện để các dự án đó phát triển thành công.

Thứ hai, khuyến khích, tạo điều kiện để các dự án FDI lập ra theo hình thức liên doanh với DN trong nước vì liên doanh mới tạo điều kiện cho công ty trong nước tiếp cận trực tiếp với công nghệ và tri thức kinh doanh của MNCs, và sau này sẽ làm chủ được công nghệ và kinh doanh.

Thứ ba, để công nghệ và tri thức kinh doanh của MNCs lan tỏa từ dự án FDI sang các khu vực khác của nền kinh tế, cần có chính sách thúc đẩy sự liên kết hàng dọc giữa FDI với các công ty trong nước. Nghĩa là phải khuyến khích các dự án FDI tích cực dùng nguyên liệu và các sản phẩm phụ trợ sản xuất trong nước, qua đó MNCs sẽ chuyển giao công nghệ, truyền đạt tri thức, chỉ đạo quản lý để các công ty trong nước cung cấp hàng đủ chất lượng và với giá thành thích đáng.

Cho đến những năm gần đây, FDI vào Việt Nam nhiều nhưng chủ yếu là những ngành dùng nhiều lao động giản đơn như may mặc, giày dép, và trở thành những ngành xuất khẩu chủ đạo. Đó là những lãnh vực không cần nhiều vốn, không cần công nghệ cao nên đáng lẽ DN trong nước có thể đầu tư hay ít nhất là liên doanh với nước ngoài trong giai đoạn đầu và sau đó dần dần làm chủ hoàn toàn. Mặt khác, các ngành xuất khẩu ấy phải tùy thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc các sản phẩm trung gian như vải, tơ sợi...

Thứ ba, cho đến nay hầu như sự liên kết giữa FDI và DN trong nước rất yếu. Muốn liên kết thì DN Việt Nam phải cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đủ chất lượng và với giá cả cạnh tranh được. Nhưng ở Việt Nam bây giờ vẫn còn bàn cãi vấn đề tại sao ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển đủ cho thấy tình hình các DN trong ngành này còn yếu như thế nào. DN Nhật vẫn còn xem đó là yếu tố làm môi trường đầu tư của Việt Nam kém hấp dẫn.

GS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản)