Ba thập kỷ qua, các quốc gia giàu có đã đầu tư hàng trăm tỉ USD vào Trung Quốc, tạo ra sự bùng nổ kinh tế ấn tượng nhất trong lịch sử. Giờ đây, "thế cờ" dường như đảo ngược khi Trung Quốc sẵn sàng vươn sức mạnh kinh tế ra phạm vi toàn cầu.


Phấn khích bởi thặng dư thương mại khổng lồ cùng với lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, Trung Quốc bắt đầu rải tiền đầu tư tới mọi ngóc ngách trên thế giới: từ những mỏ đồng ở châu Phi, các cơ sở quặng sắt ở Australia cho tới cả dự án đá phiến sét khí đốt ở Texas, Mỹ.

10.000 việc làm ở 35 tiểu bang

Chỉ trong vài năm qua, Bắc Kinh đã đổ hàng tỉ USD tiền cho vay vào các quốc gia đang phát triển, cùng lúc cho phép các công ty nhà nước mua lại cổ phần của các tập đoàn tầm cỡ thế giới như Rio Tinto, Morgan Stanley và Blackstone Group.

Trung Quốc đang rải tiền đầu tư khắp thế giới. Ảnh: Reuters
Trung Quốc còn đóng vai trò như một chủ nợ lớn trong thị trường nợ toàn cầu. Quốc gia với hơn 1 tỷ dân này nắm giữ khoảng 1.600 tỷ USD trái phiếu của Mỹ, giúp kinh tế Mỹ duy trì mức lãi suất thấp.

Trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, mặc dù "cuộc chơi" của Trung Quốc hiện khá khiêm tốn song tiềm năng rất lớn. Năm ngoái, giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc đạt khoảng 59 tỷ USD, ít hơn nhiều so với con số 300 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ.

Theo một nghiên cứu vừa được Hội châu Á (Asia Society) tại New York và Trung tâm nghiên cứu quốc tế Woodrow Wilson ở Washington công bố, đầu tư của Trung Quốc có thể sớm đạt 100-200 tỷ USD/năm, bởi Bắc Kinh đang chủ trương đưa các công ty lớn vươn ra nước ngoài, đầu tư vào các nguồn tài nguyên và năng lượng.

Từ nay tới trước năm 2020, Trung Quốc có thể đầu tư tới 2.000 tỷ USD vào các công ty, nhà máy hoặc tài sản ở nước ngoài. Người ta ước tính số tiền này lớn tới mức đủ để phục hồi tốc độ tăng trưởng cho cả Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, nghiên cứu trên đồng thời cảnh báo rằng thời gian tới, Mỹ có thể mất đi cơ hội thu hút đầu tư từ Trung Quốc do những yếu tố chính trị, cạnh tranh gia tăng giữa hai nước và bởi nhận thức "bám rễ" rằng đầu tư của người Trung Quốc không được chào đón tại Mỹ.

"Nếu sự can thiệp chính trị không được kiềm chế, nhiều lợi ích có được từ sự đầu tư của Trung Quốc như  tạo việc làm, trợ cấp tiêu dùng, cải thiện cơ sở hạ tầng... tại Mỹ có thể chuyển hướng sang các đối thủ cạnh tranh với Mỹ" - nghiên cứu nhấn mạnh.

Thực tế các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc đã triển khai hoạt động và tạo ra khoảng 10.000 công ăn việc làm ở ít nhất 35 trên tổng số 50 tiểu bang của nước Mỹ, giúp thúc đẩy ngành dịch vụ và chế tạo tại đây.

Đón làn sóng đầu tư

Trong lúc các ngân hàng Phố Wall vận động hậu trường để thu hút thêm đầu tư từ Trung Quốc, Washington vẫn thận trọng, thậm chí cả khi chính quyền Tổng thống Obama tuyên bố hoan nghênh đồng tiền Trung Quốc.

Kinh tế Mỹ sẽ thiệt hại nếu còn e ngại đầu tư từ Trung Quốc. Ảnh: World News
Một số nhà quan sát cho rằng nhiều quan chức ở Washington và tại các tiểu bang của Mỹ vẫn có tâm lý "chống Trung Quốc". Một trong những lo ngại phổ biến của họ là việc các công ty Trung Quốc, phần nhiều do chính phủ Trung Quốc kiểm soát và bảo trợ, có thể giành được lợi thế cạnh tranh một cách thiếu công bằng, qua đó tiếp cận với các công nghệ quân sự nhạy cảm hoặc kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên của Mỹ.

Ngoài ra, các công ty Trung Quốc có thể sẽ mua lại các công ty Mỹ, sau đó đóng cửa các nhà máy chế tạo tại Mỹ và đưa quy trình sản xuất về Trung Quốc.

Chính vì vậy, không ít chính trị gia Mỹ tìm cách ngăn cản các thỏa thuận, hợp đồng kinh doanh của Trung Quốc tại Mỹ. Năm 2005, Cnooc - tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc - đã phải từ bỏ ý định mua lại hãng dầu lớn thứ 9 của Mỹ Unocal sau khi Quốc hội Mỹ điều tra về vấn đề này.

Mấy năm gần đây, tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc cũng thường mất hợp đồng tại Mỹ do phía Mỹ lo ngại an ninh quốc gia bị xâm hại.

Mới đây, Anshan Iron & Steel Group - công ty Trung Quốc có ý định xây dựng nhà máy thép ở Mississippi - vấp phải sự phản đối mạnh tại bang này bởi những lo ngại rằng dự án sẽ khiến nhiều việc làm địa phương mất đi và đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Tức giận trước "chủ nghĩa bảo hộ núp dưới lý do an ninh quốc gia" của Mỹ, Bắc Kinh không ngại phàn nàn với Washington. Daniel H.Rosen - đồng tác giả với Thilo Hanemann trong nghiên cứu của Hội châu Á - cảnh báo rằng Trung Quốc có thể trả đũa các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở nước này và không tích cực thúc đẩy các cải cách nhằm mở cửa hơn thị trường tài chính, kinh doanh.

Để hưởng lợi, các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ cần chuẩn bị kỹ lưỡng để đón "làn sóng" đầu tư của Trung Quốc tràn vào nước này. Bên cạnh đó, Washington phải gửi một thông điệp rõ ràng rằng đầu tư của Trung Quốc được chào đón ở Mỹ, ngăn chặn sự can thiệp chính trị và hợp tác với Bắc Kinh để làm rõ tính minh bạch của các công ty Trung Quốc khi đầu tư ra nước ngoài.

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính Mỹ đã dự tính đưa chủ đề đầu tư của Trung Quốc vào chương trình nghị sự của Đối thoại chiến lược và kinh tế lần thứ ba giữa Mỹ và Trung Quốc, dự kiến diễn ra tuần tới ở Washington.

H.Giang (Theo The New York Times, WSJ)