Việc ứng dụng CNC vào sản xuất trong các HTX NN đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất, cũng như rủi ro và sự phụ thuộc vào thời tiết. Nhất là bảo đảm truy xuất nguồn gốc an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập cho người sản xuất.

{keywords}
Đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nông thôn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ lệ rất nhỏ (17%) trong số hợp tác xã nông nghiệp. Trong tổng số 199 HTX NN ứng dụng CNC, có tới 164 HTX (chiếm hơn 82,4%) áp dụng kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản; 34 HTX (chiếm 17%) ứng dụng công nghệ tự động hóa và công nghệ sinh học; chỉ có một HTX sử dụng CNC trong sản xuất vật tư nông nghiệp.

Ðể phục vụ chủ trương phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Gần đây nhất, ngày 27/4/2018 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX NN hoạt động có hiệu quả giai đoạn 2017 - 2020, trong đó có ít nhất 10% HTX NN có ứng dụng CNC.

Song để đạt mục tiêu 1.500 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 (nâng tỷ lệ từ 1,8% lên 10%), cần lựa chọn các hợp tác xã đã được đánh giá hiệu quả và đáp ứng được các tiêu chí về đối tượng, loại sản phẩm, công nghệ áp dụng quy mô.

Các lĩnh vực sản xuất được lựa chọn sẽ căn cứ vào Quyết định số 575/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Trong 288 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện chỉ có khoảng 52 hợp tác xã có ứng dụng kỹ thuật canh tác, công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo, tạo cơ chế chính sách khuyến khích HTX NN ứng dụng CNC. Ðó là, trình độ năng lực quản lý của hầu hết các HTX NN còn thấp, phần lớn các HTX lúng túng trong lựa chọn CNC ứng dụng vào sản xuất, bản thân các địa phương thiếu đội ngũ tư vấn và thông tin giỏi về CNC...

Trong khi đó, việc đầu tư cho nông nghiệp CNC thường cần vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài, vì vậy cần phải có định hướng phát triển nông nghiệp CNC, đánh giá và dự báo về thị trường mục tiêu để việc đầu tư tín dụng hiệu quả.

Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng và hỗ trợ của Nhà nước đối với các HTX NN nói chung và HTX NN ứng dụng CNC nói riêng cũng còn những hạn chế, dẫn đến tình trạng hầu hết các HTX NN có ứng dụng CNC chủ yếu tập trung vào sản xuất một số mặt hàng “ăn liền” như rau, trái cây, giống cây trồng, hoa,... cho nên giá trị sản xuất của các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC so với phương thức sản xuất thông thường không cao.

Từ nay đến năm 2020 thời gian không còn nhiều, trong khi nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm việc hỗ trợ các HTX NN nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là chú trọng đến phát triển HTX NN ứng dụng CNC, nên số vùng và địa phương phát triển HTX NN ứng dụng CNC chưa nhiều và đồng đều.

Hiện Tây Nguyên là vùng có nhiều HTX NN ứng dụng CNC nhất cả nước với 57 HTX, tiếp đến là đồng bằng sông Cửu Long có 39 HTX. Trong số 63 tỉnh, thành phố của cả nước mới có 41 tỉnh, thành phố có HTX NN ứng dụng CNC. Nhiều nhất là tỉnh Lâm Ðồng có 36 HTX; Long An 14 HTX; TP Hà Nội 13 HTX; Hà Tĩnh và TP Hồ Chí Minh mỗi địa phương có 11 HTX.

Xem ra, muốn đạt mục tiêu có ít nhất 10% HTX NN ứng dụng CNC vào năm 2020, cần có sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và các hộ nông dân; tập trung tuyên truyền về vị trí, tầm quan trọng của CNC, các chủ trương, đường lối chính sách của Ðảng, Nhà nước về phát triển ứng dụng CNC trong sản xuất; thực hiện lồng ghép các chương trình tuyên truyền về nông nghiệp CNC và chương trình tuyên truyền về HTX NN, phát triển các HTX NN theo Luật HTX năm 2012.

Bài: Nguyễn Thị Vân Anh - nhóm PV
Ảnh: Tạ Ngọc Huy Linh - nhóm PV