- ĐBQH Trương Trọng Nghĩa vừa gửi báo cáo tới Chủ tịch nước và đoàn ĐBQH TPHCM, đề cập chuyện ĐBQH Hoàng Hữu Phước viết blog “có nội dung công kích, vu khống, bôi nhọ và có chủ đích làm nhục” mình.

Trong báo cáo gửi đoàn ĐBQH TPHCM, ông Trương Trọng Nghĩa cho biết: “Bắt đầu từ ngày 8/7/2014, Hoàng Hữu Phước đã đăng trên blog của anh ta những bài viết có nội dung công kích, vu khống, bôi nhọ và có chủ đích làm nhục tôi. Cho đến nay, Hoàng Hữu Phước đã đăng ít nhất 4 bài có nội dung nói về tôi với chủ đích như trên. Bài gần nhất và nặng nhất đăng vào ngày 17/10”.

ĐB Nghĩa đề nghị “lãnh đạo đoàn ĐBQH TP HCM yêu cầu Hoàng Hữu Phước trả lời các câu hỏi và cung cấp bằng chứng về những lời công kích, bôi nhọ, có biện pháp bảo vệ danh dự, nhân phẩm của tôi và không để Hoàng Hữu Phước tiếp tục những việc làm càn quấy, mất uy tín của QH và  ĐBQH TP HCM”.

Giờ giải lao buổi thảo luận tổ sáng nay, trả lời VietNamNet về nội dung trên, ông Hoàng Hữu Phước cho biết:

“Đó là những bài viết thể hiện ý kiến cá nhân của tôi. Mục đích của tôi là muốn tranh luận, đặt vấn đề khi thấy có những nội dung động chạm đến chính sách, chủ trương, vấn đề không có lợi nếu một số bạn trẻ, người dân đọc được”.

Chỉ 'đấu' về lập luận

Ông có thể cho biết cụ thể đó là những nội dung gì?

Các nội dung tôi đã viết đầy đủ trên blog rồi. Tôi chỉ có ý kiến với những phát ngôn mình vừa mới được nghe.

XEM CLIP:

Lập luận gần đây nhất ông Nghĩa nói mà tôi phản bác là: “Đi đường ray cũ thì bao giờ mới thấy chân trời mới”. Tôi chỉ đấu về lập luận thôi. Câu đó tôi cho là sai hoàn toàn về lập luận.

Hiến pháp chúng ta đã hiến định con đường đi lên CNXH và thực tế đường ray bao giờ cũng có điểm đi điểm đến, như đi từ TP HCM ra HN thì điểm đến là HN chứ sao lại nói không thấy chân trời mới? Như thế thì đi trật đường ray và lăn xuống vực sâu chứ sao? Tôi thấy ví von thế là rất ấu trĩ.

Ông nói đó là việc ông bày tỏ ý kiến cá nhân của ông về phát ngôn của ông Nghĩa, tại sao ông Trương Trọng Nghĩa  lại cho rằng ông công kích, bôi nhọ ông Nghĩa?

Đó là quyền của ông Nghĩa chứ! Nếu những lời lẽ đó ông Nghĩa cảm thấy, cho rằng là nặng, là bôi nhọ, là động chạm cá nhân thì ông Nghĩa có quyền nói lại như vậy.

Nếu là ý kiến cá nhân, sao ông không tranh luận cá nhân trực tiếp với ông Nghĩa mà phải đưa lên blog?

Trên toàn thế giới và VN không có luật nào bắt người ta phải trao đổi trực tiếp.

Ông Trần Du Lịch phó trưởng đoàn TPHCM cho biết ĐB nên phát biểu chính kiến trên các diễn đàn QH hoặc 1 số kênh khác nhưng không nên phát biểu trên blog, ông nghĩ sao về ý kiến này?

Ông Lịch có quyền tuyên bố như vậy, đó là thẩm quyền của người đứng đầu đoàn trong xử lý tình huống thì bắt buộc phải như vậy. Vấn đề là tôi không bao giờ cho rằng tôi phải tuân theo ý kiến của bất kỳ ai.

Tôi tôn trọng ông Nghĩa

Sau khi ông viết những bài viết đó, ông Nghĩa có ý kiến hay trao đổi trực tiếp gì với ông không?

Trước khi viết tôi không có trao đổi gì với ông Nghĩa, sau khi tôi viết ông Nghĩa cũng không có ý kiến trao đổi gì cả.

Ông đánh giá thế nào về cách ông Nghĩa gửi đơn, phản ứng với sự việc?

Tôi có sự chủ động trong lựa chọn của tôi và ông Nghĩa có lựa chọn của ông Nghĩa, tôi tôn trọng ông Nghĩa.

Tôi rất thông cảm cho ông Nghĩa nếu ông Nghĩa nổi giận, bực tức, trình bày và làm việc lớn lên, đưa sự việc lên cấp cao hơn.

Khi tôi nói về luật biểu tình, tôi có đưa lên blog hình chụp người ta chửi bới tôi và gia đình, đe dọa nhân viên của tôi. Các bạn nghĩ sao khi tôi nhận được cái đó? Các bạn có thể hiểu tôi giận thế nào không?

Tôi nghĩ phản ứng của ông Nghĩa là có giận nhưng không giận nhiều bằng tôi thời điểm đó. Cái giận đó của ông Nghĩa là bình thường, vấn đề là người ta xử sự thế nào khi mình cho là bị xúc phạm.

Không phải chống lại ĐB cùng đoàn

Sự việc với ĐBQH Dương Trung Quốc năm ngoái, cũng là bày tỏ ý kiến cá nhân, nhưng sau cùng ông đã phải  xin lỗi ông Quốc. Ông rút ra kinh nghiệm gì khi bày tỏ ý kiến cá nhân với tư cách ĐBQH và lại về ĐBQH cùng đoàn?

Trong một đoàn không phải tất cả đều nói chung 1 ý kiến, người nào phát ngôn người đó chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình.

Còn về phát ngôn của ông Nghĩa, tôi không đồng tình, tôi chống lại phát ngôn đó chứ không phải chống lại một ĐB cùng đoàn. Tôi nhắm vào lập luận, quan điểm chứ không nhắm vào cá nhân. Tôi tôn trọng mọi người.

Khi vào QH năm 2011, mọi cái đối với tôi là sự phấn khởi, vui vẻ, trẻ trung, hừng hực và tôi muốn thể hiện tự do ngôn luận của mình, để rồi sau đó tôi phải gánh chịu cái gì các bạn đã biết rồi.

Bây giờ tôi rút ra kinh nghiệm là cứ nêu quan điểm chứ không nêu tên người nói, làm sao để người ta hiểu cái này thuần túy là lập luận.

Vậy ông có tiếp tục dùng từ như “mê muội”, “mông muội”, “ngu muội” không?

Tôi không cực đoan, tôi chỉ tranh luận về quan điểm.

Còn về ngôn ngữ, như với thời ông Dương Trung Quốc, tôi cũng có thể phản biện lại là hãy chứng minh rằng tôi sai. Không có luật nào đưa ra danh mục các từ sau đây nếu bạn dùng thì bạn sai.

Còn đối với người đọc báo, cử tri, người ta không quen với cách lập luận đó thì tôi rất đàng hoàng: Nếu không phù hợp, không được mọi người thích, đồng cảm thì tôi bỏ, không áp dụng nữa.

Hiện ông Nghĩa đã gửi đơn đến đoàn ĐBQH TP HCM. Vậy đoàn đã có ý kiến gì với ông chưa?

Sắp tới có thể đoàn sẽ đặt vấn đề, còn bây giờ thì chưa có gì cả

Ông Nghĩa có đề nghị đoàn ĐBQH TP HCM yêu cầu ông cung cấp bằng chứng liên quan đến những thông tin ông nói trong các bài viết, ông có sẵn sàng không?

Cái đó thuộc về vấn đề hùng biện, chừng nào đoàn đặt vấn đề thì tôi trả lời trong cuộc họp đó.

Tôi không đồng tình với lập luận của ông Nghĩa và tôi nêu chính kiến của mình, ông Nghĩa phản bác lại là quyền của ông Nghĩa. Cả 2 người đều đang thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.

          ĐB Dương Trung Quốc: Giữ văn hóa trong tranh luận

Từng có tranh luận với ĐB Phước, ông có theo dõi vụ việc hiện nay không?   

Tôi chưa bao giờ tranh luận với anh ấy cả. Cuối cùng thì anh ấy xin lỗi tôi theo yêu cầu của đoàn ĐBQH, tôi cũng trả lời là chúng ta cùng nhau rút kinh nghiệm. Theo tôi, chúng ta phải giữ văn hóa trong đối thoại, tranh luận.

{keywords}

Việc của anh Phước tôi có biết nhưng tôi không để nhiều thời gian.

Theo ông, nên đưa văn hóa tranh luận lên diễn đàn QH hay blog cá nhân?

QH là QH mà cá nhân là cá nhân. Tôi không bình luận về trường hợp cụ thể nào cả. Việc tranh luận là rất cần thiết. Chúng ta có diễn đàn nào thì phải tận dụng tối đa diễn đàn đấy. Còn những kênh khác là quyền của mỗi người. Song khi làm thì sự thận trọng cần có, tính trách nhiệm cần có, không thể có chuyện anh muốn làm gì thì làm, nhất là anh là ĐBQH.

Quan trọng nhất vẫn là người dân. Anh có thuyết phục được người dân hay không?


C.Quyên - T.Lý - X.Quý - H.Nhì - M.Thăng - P.Hải