Xung quanh việc thí điểm “bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất đối với thuốc lá nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng”, Đại biểu QH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng cơ chế này còn chưa phù hợp với nhiều quy định hiện hành.

“Bất bình đẳng cho DN trong nước”

- Thưa ông, việc thực hiện thí điểm “bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất đối với thuốc lá nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng” đã được Chính phủ giao các các bộ Công Thương, Tài chính triển khai. Ông đánh giá thế nào về sự tương thích của cơ chế này với các quy định của pháp luật hiện hành?

Trước hết, cơ chế này có nhiều điểm chưa phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và pháp luật hiện hành.

Luật hiện nghiêm cấm các hành vi mua bán thuốc lá nhập lậu, quy định xử lý hình sự với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá nhập lậu từ 1.500 bao trở lên, thậm chí trên 500 bao đã phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, việc hợp pháp hóa thuốc lá nhập lậu đang bị tiêu hủy và xử lý hình sự theo quy định của pháp luật để bán đấu giá tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất sẽ là không phù hợp.

{keywords} 

Trên thực tế, thuốc lá nhập lậu cũng không đáp ứng 6 quy định tối thiểu về ghi nhãn, in cảnh báo, dán tem, in mã số mã vạch, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá điếu.

Vì thế, cho phép bán đấu giá để tiêu thụ trong nước sẽ tạo bất bình đẳng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc lá hợp pháp trong nước, chưa kể cũng tạo ra khe hở về hành lang pháp lý cho các đối tượng buôn lậu thuốc lá tận dụng.

Hiện sản lượng sản xuất của thuốc lá hợp pháp trong nước đang được khống chế bởi giấy phép sản xuất thuốc lá do Bộ Công Thương cấp, tuy nhiên khi thuốc lá nhập lậu được tiêu hủy trong nước sẽ gia tăng lượng không nhỏ thuốc lá nhập khẩu trên thị trường. Vấn đề ở đây là, sản lượng tăng thêm này này được tính vào hạn ngạch nào và căn cứ nhu cầu nào để tiêu thụ trên thị trường nội địa.

Một câu hỏi cũng cần làm rõ là khi đấu giá để tiêu thụ trong nước, thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu có được tính giá khởi điểm bao gồm các loại thuế, quỹ rất cao (thuế nhập khẩu 135%, thuế TTĐB 70%, khoản đóng góp bắt buộc vào Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá 1,5%) như thuốc lá trong nước và thuốc lá nhập khẩu hợp pháp không?

Nếu không, sẽ có sự bất cập về mặt pháp lý và độ chênh lệch rất lớn giữa thuốc lá nhập lậu và thuốc lá hợp pháp trong nước. Chưa kể ngân sách nhà nước cũng sẽ bị thất thu đáng kể (khoảng 10.000 tỷ đồng/năm) và sẽ còn tăng thêm nhiều lần nếu thuốc lá nhập lậu bị tịch thu được bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất.

Thuốc lá lậu cũng không phải là tài sản đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016, nên việc thực hiện thí điểm này có sự vênh với quy định của pháp luật hiện hành.

“Cần tiếp tục quy định thuốc lá nhập lậu là hàng cấm”

- Tại Điều 190, 191 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung quy định thuốc lá nhập lậu là hàng cấm. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, quy định này mâu thuẫn với Luật Đầu tư. Cá nhân ông thấy thế nào?

Tôi đồng tình với ý kiến của một số ĐBQH khi thảo luận về dự thảo Luật SĐ,BS Bộ luật hình sự 2015 và cho rằng các quy định này hoàn toàn không mâu thuẫn với nhau.

Cụ thể, Luật Đầu tư quy định về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Còn dự thảo Luật SĐ,BS Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về hàng cấm. Tức là, ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh không đồng nhất với hàng hóa cấm kinh doanh, cấm lưu hành sử dụng. Không thể lấy lý do vì ngành nghề cấm kinh doanh không đề cập đến một loại hàng hóa nào đó để lập luận rằng hàng hóa đó không phải hàng cấm.

Chưa kể, theo dự thảo Luật SĐ,BS Bộ luật Hình sự 2015, quy định nội dung cấm thì không chỉ là cấm sản xuất kinh doanh mà còn cấm cả việc lưu hành, sử dụng, cấm cả đối với những hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng. Đó là nội dung đã trên cơ sở kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành là Luật Thương mại, Nghị định 185/2013/NĐ-CP, Nghị định 19/2014/NĐ-CP.

Luật Thương mại hiện hành cũng đang khẳng định rõ “thuốc lá điếu, cigar và các dạng thuốc lá thành phẩm khác có nguồn gốc nhập lậu là mặt hàng cấm kinh doanh”.

{keywords} 

Ngay Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Đầu tư cũng đồng ý đề nghị quy định thuốc lậu là hàng cấm. Đây cũng là quan điểm của Bộ Tư pháp là cơ quan đại diện cơ quan trình dự án.

Ngoài, ra, trước ngày 1/7/2015, Luật Thương mại và các Nghị định của Chính phủ vẫn coi thuốc lá nhập lậu là hàng cấm, việc xử lý không có vướng mắc và các quy định này đang đấu tranh có hiệu quả đối với hành vi thuốc lá nhập lậu. Vấn đề này chỉ trở nên bất cập, bức xúc khi có yêu cầu tạm dừng thực hiện quy định này.

Từ các lập luận nêu trên, tôi cho rằng để đấu tranh có hiệu quả với hành vi buôn lậu thuốc lá, gây tổn hại cho sức khỏe của nhân dân, thất thu lớn với ngân sách nhà nước, đồng thời đáp ứng các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì cần tiếp tục quy định thuốc lá nhập lậu là hàng cấm. Đây là vấn đề không có mâu thuẫn với Luật Đầu tư, hoàn toàn thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

- Xin cảm ơn ông!

Băng Dương (thực hiện)