– Tranh giành lãnh địa, chém giết, siết cò cướp mạng sống của nhau… có một thời, vùng đất Quỳ Châu (Nghệ An) như thế. Có người gọi thời kỳ hỗn mang đó là thời của đế 'chế đá đỏ'.

Một dạo Quỳ Châu lên cơn sốt. Sốt đá đỏ. Cơn sốt thật khủng khiếp. Người ta rỉ tai nhau về ai đó vừa trúng được viên đá đỏ giá cả trăm triệu đồng ở đồi Triệu.

Lại có tin, một thanh niên trúng viên rubi hàng tỷ đồng trên đồi Tỷ. Đá đỏ ở Quỳ Châu nhiều đến nỗi có cậu bé chăn trâu rỗi việc bới lại những đám đất mà cửu vạn hất lên cũng kiếm được viên đá cả chục triệu đồng.

Đồi Tỷ, một trong những lãnh địa máu thời đó. Nơi đây, từng xảy ra một vụ sập hầm làm chết 47 người. Cũng chính nơi đây, đã xảy ra nhiều trận huyết chiến giữa các băng đảng giang hồ. (Ảnh: H.Sang).

Thời đó, có hàng vạn người đổ xô về Quỳ Châu để tìm vận may. Hàng trăm người bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc. Không có một con số thống kê chính xác có bao nhiêu người đổ về đây đào đá đỏ, cũng không có một tài liệu nào ghi lại con số những người bỏ xác khi đi tìm cho mình giấc mộng đổi đời.

Người ta chỉ ví von, rằng đêm đêm, những ngọn đèn dầu thắp sáng trong các lán của phu đào đá đỏ còn 'nhiều hơn cả sao trên trời'.

Còn số người chết, nói như Thượng tá Nguyễn Cảnh Chanh - Phó trưởng phòng CS 113 Công an tỉnh Nghệ An: “Chẳng ai đếm xuể. Ngày nào chẳng có người bị thiệt mạng do sập hầm hoặc do tranh dành lãnh địa. Người chết, họ lấy xác rồi đưa về an táng trong đêm, chẳng thèm báo cho công an”.

Nguyễn Văn Đường, một sát thủ máu lạnh thời 'đế chế đá đỏ' - Ảnh: Q.Huy chụp lại tư liệu
Dường như, thời kỳ đó, mạng người rẻ rúng lắm.

Thi thoảng lại có tiếng súng xé tan màn đêm đặc quánh. Một cái siết cò, người ta nghĩ ngay đến một mạng sống vừa bị cướp đi.

Một tiếng khóc hờ trong đêm, người ta nghĩ ngay đến hầm nọ, hầm kia vừa bị sập. Mà những tiếng khóc đó, cũng hiếm lắm, hiếm như viên đá đỏ vẫn mãi trốn sâu trong lòng đất để thách thức lòng tham của con người.

Người chết vì sập hầm, phu đá lại đào bới lên, vứt bên lề đường, lấy chiếu tấp lại rồi thuê xe đưa về nhà. Tuyệt nhiên không có một giọt nước mắt nào rơi, khóc than cho những người xấu số.

Các ổ nhóm giang hồ dần dần được hình thành; mại dâm, ma túy, cờ bạc cũng theo chân viên đá đỏ về với vùng quê nơi miền Tây xứ Nghệ này.

Những cái tên như Phong “trọc”, Tường “lợn”, Phương “tay trái”, Đường “mặt rộ”, Hà “lỳ” mãi mãi là nỗi khiếp đảm đối với người dân đi đào đá đỏ.

Giang hồ thời đó, cũng tuân theo một quy luật muôn thủa: kẻ mạnh là người giẫm trên thân xác người khác; để tồn tại, buộc phải chém giết lẫn nhau.

Muốn trở thành thủ lĩnh, cai trị cả dải đất nhuốm máu này, giang hồ buộc phải đổ máu. Muốn 'cướp số', soán ngôi bá chủ, bắt buộc phải lấy mạng lẫn nhau.


Giang hồ thời kỳ đầu của đá đỏ Quỳ Châu, tức là năm 1990 được phân chia khá rõ ràng theo thế chân vạc. Phía đồi Hoa Cỏ May có Sơn “cụt”, đồi Triệu thì do Tường “lợn” án ngữ.

Khu vực đồi Triệu - một trong những lãnh địa máu mà giang hồ đá đỏ từng huyết chiến. Ảnh: H.Sang

Còn khu vực đồi Tỷ, là do Phương “tay trái” chỉ huy. Tuy nhiên, thế “tam quốc” đó dần dần rơi vào tay một tên sát thủ có cái tên: Vi Văn Phong và Nguyễn Văn Đường.

“Thiên hạ” rơi vào tay Phong “trọc” và Đường “mặt rộ” sau những lần huyết chiến để mở rộng lãnh địa. AK, súng ngắn, lựu đạn là những vũ khí bất di bất dịch của những tên tướng cướp rừng xanh này.

Sẵn sàng nhả đạn, sẵn sàng siết cò… băng nhóm tội phạm do Phong 'trọc' và Đường 'mặt rộ' thời đấy thật sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với những người dân đi đào đá đỏ.

VietNamNet sẽ tái hiện lại 'thời kỳ hỗn mang' ấy, với những tên giang hồ cộm cán và những cuộc thanh trừng, cướp số để soán ngôi 'bá chủ thiên hạ” qua loạt bài “Đế chế đá đỏ và những trận huyết chiến”.

Hoàng Sang – Quốc Huy

Kỳ tới: Một 'đế chế' mới hình thành nơi miền Tây xứ Nghệ: 'đế chế' đá đỏ, 'đế chế' của những trận huyết chiến kinh hoàng để tranh giành lãnh địa, 'đế chế' của máu và nước mắt. Quỳ Châu ngày đó, chỉ có một màu: màu đỏ của những viên Ruby, và cũng là màu máu...