Tại phiên xét xử, cả Nam và Tùng đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình và viện lý do phạm tội là do muốn nhanh chóng khám phá chuyên án phá rừng, còn nguyên nhân ông Ngài tự tự nằm ngoài dự tính của các bị cáo.           

Ngày 9/4, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Lê Mạnh Nam (nguyên Phó trưởng Công an thị xã Gia Nghĩa) và Trần Đăng Tùng (nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, chức vụ, ma túy, môi trường Công an thị xã Gia Nghĩa) về tội “Giữ người trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng”. 

{keywords}
Các bị cáo Nam (bên phải) và Tùng tại phiên tòa

HĐXX tuyên phạt bị cáo Nam 2 năm 6 tháng tù, bị cáo Tùng 2 năm tù và đều cho hưởng án treo. 

Sau khi HĐXX tuyên án, người thân nạn nhân bức xúc cho rằng ông Ngài không tự tử và cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo, đề nghị cơ quan tố tụng làm rõ cái chết của nạn nhân vì nghi ngờ bị đánh đập trong quá trình tạm giữ dẫn đến tử vong. 

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, ngày 14/3/2013, Công an thị xã Gia Nghĩa tiếp nhận 2 đối tượng gồm Lý Thị Mỵ (SN 1979) và Lý Thị Sông (SN 1975, cùng trú xã Đắk Đrông, huyện Cư Jút) về hành vi hủy hoại rừng do Hạt kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa bàn giao. 

{keywords}
Nạn nhân Hoàng Văn Ngài (bên phải, lúc còn sống)

Lúc này, Trần Đăng Tùng đề xuất với cấp trên là Lê Mạnh Nam phương án tạm giữ hành chính đối với Mỵ và Sông để điều tra và được Nam đồng ý. Sáng ngày 15/3, các anh Sùng A Tú và Hoàng Văn Pá (người nhà Sông và Mỵ) đến Công an thị xã Gia Nghĩa để xin bảo lãnh cho 2 người này. Tuy nhiên, Tùng lại đề xuất với Nam là giữ Tú và Pá lại để lấy lời khai và cũng được Nam đồng ý. 

Tú và Pá khai, liên quan đến vụ phá rừng còn có Hoàng Văn Ngài (chồng chị Sông) và Sùng A Lý (con trai anh Tú). Chiều cùng ngày, Tùng đã chỉ đạo cấp dưới cho mời Ngài và Lý đến Công an thị xã Gia Nghĩa để làm việc. Sau khi làm việc với Tú, Pá, Ngài và Lý, Tùng đã báo cáo kết quả với Nam và được Nam chỉ đạo giữ 3 nghi can là Pá, Tú và Ngài lại để tiếp tục làm việc. Tùng giao cho cấp dưới giam các nghi can tại phòng làm việc của cơ quan. Việc giam giữ kéo dài từ ngày 15/3 đến chiều ngày 17/3. 

Đến 16 giờ 30 phút ngày 17/3, Công an thị xã Gia Nghĩa phát hiện nghi can Ngài nằm bất động trong phòng giam nên đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông nhưng nạn nhân tử vong trước khi đến bệnh viện. 

{keywords}
Thi thể nạn nhân Ngài bị bầm dập, tím tái sau khi tử vong. Ảnh người nhà nạn nhân cung cấp

Sau khi sự việc xảy ra, Nam đã chỉ đạo cấp dưới viết giấy đề xuất tạm giữ đề ngày 16/3 để Nam ký, nhằm mục đích tạo chứng cứ pháp lý. Còn Tùng cũng chỉ đạo cấp dưới soạn thảo các quyết định tạm giữ, chấm dứt việc tạm giữ đối với các anh Ngài, Pá, Tú… 

Kết quả điều tra của Công an tỉnh Đắk Nông, nghi can Ngài chết do tự tử và không khởi tố vụ án hình sự; Nam và Tùng cũng không phải chịu trách nhiệm gì về cái chết của nghi can Ngài. 

Gia đình nạn nhân Ngài đã không chấp nhận kết quả điều tra này nên làm đơn khiếu nại gửi cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị làm rõ cái chết của nạn nhân. Sau quá trình điều tra, tháng 7/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự và bắt tạm giam đối với Nam, Tùng về hành vi giữ người trái pháp luật. Sau đó, Nam và Tùng đã bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Giữ người trái pháp luật”. 

Trùng Dương